Những buổi chiều thao thức Hà Nội
1. Mặc sức viết
Tôi đã muốn viết biết bao về những ngày vui vừa qua, nhưng khi vui nào ai muốn viết. Người ta muốn sống.
Tôi ước có thể viết được về những con người dễ thương vô cùng mình đã gặp. Nhưng trong sự đối diện ấy, tôi chỉ muốn nhìn và muốn nghe. Ngôn ngữ của những khoảnh khắc ấy là ngôn ngữ của hiện hữu, của ánh mắt muốn thu trọn lại và uống cạn để thấm đẫm lòng biết ơn vào tồn tại của mình. Những kí ức về con người cụ thể trong tôi dường như từ chối sự cứng chết của ngôn từ.
Nên đừng trách cái viết của tôi nhiều buồn bã. Viết là một người bạn khiêm nhường tôi chỉ tìm đến khi đơn độc kiệt quệ, và khi ấy nó rộng mở để tôi chảy tràn thoát chứa tất thảy. Nhưng viết bao dung cũng sẵn lòng để tôi rời đi bất cứ khi nào một tia sáng mới vô tình chiếu rọi.
2. Mặc sức nghe
Hôm trước tôi đi bảo tàng Lịch sử – cả hai khu nhà gần nhau ở số 1 Tràng Tiền và số 216 Trần Quang Diệu (không hiểu sao nhất thiết phải viết ra mấy chữ này, có lẽ chăng như một cam kết gắn nối với đời thật), nhìn lại lịch sử theo những ghi chép chính thống – qua các thời kỳ, đúng nghĩa như một dòng chảy của lịch sử. Nhưng có một sự thay đổi – tôi nhận ra mình bị thu hút hơn trước đây, vào những con người cụ thể và những mẩu chuyện nhỏ. Một sự rời khỏi hệ thống để đi vào những “tiểu tự sự”. Phải rồi, tôi đã thôi quay quắt với những câu chuyện của chính mình, bỗng dưng lại có bao nhiêu chỗ cho những câu chuyện của kẻ khác. Muốn khóc và sẵn khóc bao nhiêu là nước mắt để lặng nghe những cuộc đời khác.
3. Mặc sức buồn
Đến một lúc rồi muốn cúi đầu mà cảm tạ những nỗi đau khốn cùng mình từng trải qua. Tôi mạnh mẽ hơn biết bao những cũng lại về yếu đuối hơn hết. Chẳng cần phải che chắn phòng hờ gì nữa, tôi nhạy cảm và mong manh tự đặt mình xoã tung duỗi dài, muốn tổn thương và muốn buồn đau tuyệt vọng bao nhiêu tuỳ thích, còn sợ gì khi ta biết nỗi niềm chỉ là cảm giác và tất cả đều sẽ qua.
4. Mặc sức qua chiều
Đã in hằn và luôn sống động nhất trong tôi – những buổi chiều. Tôi say đắm những buổi chiều, đôi khi chẳng có hoàng hôn, cứ điềm nhiên mà tắt nắng.
Tôi nhớ những buổi chiều thao thức ở Cassino, tôi thường lòng vòng trong khu trung tâm hoặc lang thang trên những con đồi, qua những khu vườn rộng dẫn về kí túc rìa thị trấn. Trời nắng muộn và biết rằng lúc ấy người ở nhà đêm đã vào sâu, cứ thế thao thức theo như một cơn tương tư không ngủ.
Bây giờ thì tôi ở đây, Hà Nội – chẳng còn ai để tương tư, chẳng còn nỗi niềm nào để quặn thắt. Đành nhớ thương về những gì đã lùi xa, những nỗi ngông cuồng và tha thiết không thể có lại – thấy tất thảy đều đẹp đẽ lộng lẫy quá đỗi. Nhưng tôi ở đây, trong nỗi kiệt cằn và phân mảnh này – chúng cũng tuyệt đẹp, vẻ đẹp không rực rỡ nhưng ngấm sâu như một thứ rượu ủ men lâu năm càng uống càng say cuốn.
Tôi nằm dài trên sofa, khi chiều thường đóng cửa, buông rèm để tránh nắng, đến khi nhớ ra kéo rèm thì lần nào cũng ngỡ ngàng thành phố đã lên đèn. Tôi nép mình bên cửa nhìn ra ngoài như một đứa bé lén lút nghe chuyện người lớn. Tôi uốn lượn đổ bóng đen lên tường thành một cuộn xinh đẹp tuyệt đối mềm mại. Tầm này chỉ có thứ nhạc jazz tiết tấu chậm là vừa vặn, tôi nương theo, chẳng thiết ăn chẳng thiết tẩy rửa, thấy mình nằm vắt mình qua những buổi của trời và cả những trái ngang tréo trở của chuyện mình.
Ở đây, Hà Nội, tôi lại một lần nữa có những buổi chiều thao thức – nhưng thay vì những nỗi niềm thẳng đứng, là những cơn say trải dài.
5. Mặc lòng toại nguyện
Xin đừng trách em hàm hồ, em đang say vì em đã uống hết ba lít nỗi buồn. Đời em không còn tốt-xấu và đã đặt xong một bên những đúng-sai, chỉ còn rất thật và rất đẹp. Tất cả. Như trong tròn trịa một giấc mơ nhấp nhánh ánh đèn.