Danh họa, Lịch sử nghệ thuật

Edgar Degas – Họa sĩ lạc loài của trường phái Ấn tượng

Edgar Degas (1834-1917) được cho là một trong những nhân vật tiêu biểu của trường phái Ấn tượng, nhưng ông lại thích tự coi mình là họa sĩ hiện thực. Và đó cũng chẳng phải khía cạnh đáng quan tâm duy nhất có thể tìm thấy ở họa sĩ người Pháp này.

Degas sinh ra ở Paris, Pháp, trong một gia đình khá giả có người cha là chủ ngân hàng và ông ngoại định cư ở Mỹ. Ông là con cả trong số năm người con. Mẹ ông qua đời khi Degas mới mười ba tuổi, vì vậy những người ảnh hưởng chính đến ông trong suốt quãng thời gian còn lại của tuổi trẻ là cha và một số người chú chưa lập gia đình. Có lẽ điều này góp phần hình thành tính cách cương trực mang tính cực đoan ở Degas những năm về sau.

Degas bắt đầu đi học ở tuổi 11, ghi danh vào Lycée Louis-le-Grand. Ông bắt đầu vẽ từ rất sớm. Khi tốt nghiệp trường Lycée với bằng tú tài văn chương ở tuổi 18, ông đã biến một căn phòng trong nhà mình thành xưởng vẽ của một nghệ sĩ. 3 năm sau, vào tháng 4, Degas được nhận vào École des Beaux-Arts. Ông đã học vẽ ở đó với Louis Lamothe, và dưới sự hướng dẫn của thầy mình, Degas đã phát triển mạnh mẽ theo phong cách của Ingres.

Edgar Degas, Achille De Gas in the Uniform of a Cadet (1856/57)

Thuở mới bắt đầu sự nghiệp đó, Degas muốn trở thành một họa sĩ lịch sử. Nhưng khoảng đầu những năm ba mươi tuổi, ông đã thay đổi hướng đi. Bút pháp của ông đạt đến kĩ thuật tỉ mỉ và được buông lỏng với nét phóng khoáng ngày càng rõ nét những năm về sau. Bằng cách đưa các phương pháp truyền thống của một họa sĩ lịch sử vào đề tài đương đại, Degas trở thành một họa sĩ cổ điển của cuộc sống hiện đại.

Edgar Degas – Chủ chốt của trường phái Ấn tượng?

Một cách dễ hiểu nhưng không đầy đủ, Edgar Degas thường được mô tả là thuộc trường phái Ấn tượng. Trường phái Ấn tượng bắt nguồn từ từ chủ nghĩa hiện thực và bắt đầu phát triển vào nửa sau những năm 1860s. Kể từ năm 1973, Degas đã tham gia vào một nhóm các nghệ sĩ trẻ để tổ chức các hội triển lãm độc lập, và nhóm này nhanh chóng được biết đến với cái tên Những người theo Trường phái ấn tượng. Họ đã vẽ hiện thực của thế giới xung quanh họ bằng cách sử dụng những màu sắc tươi sáng, có phần chói mắt, tập trung chủ yếu vào hiệu ứng của ánh sáng với mục tiêu truyền tải trải nghiệm thị giác trước mắt họ ngay lập tức.

Từ năm 1874 đến năm 1886, họ đã tổ chức tám Triển lãm trường phái ấn tượng. Degas đóng vai trò chính trong việc tổ chức và cũng trưng bày tác phẩm của mình trong hầu hết các triển lãm. Dẫu vậy ông luôn xung đột dai dẳng với những người khác trong nhóm. Ông chế nhạo mạnh mẽ những họa sĩ kia vì vẽ tranh ngoài trời, và khăng khăng muốn đưa các nghệ sĩ không theo trường phái Ấn tượng vào các cuộc triển lãm của nhóm. Kết quả là điều này góp phần khiến nhóm tan rã vào năm 1886.

Edgar Degas, Waiting (1880–1882), pastel on paper

Các nhà sử học nghệ thuật thật khó lòng xếp Degas vào bất kỳ trường phái nào khác như mong muốn của ông. Những bố cục khác thường không có trung tâm, những thử nghiệm của ông với màu sắc và hình dạng, các hoạt động chặt chẽ và mối liên hệ mật thiết của ông với một số nghệ sĩ trường phái Ấn tượng chủ chốt – nổi bật nhất là Mary Cassatt và Manet – tất cả đều quy về làn sóng của Trường phái Ấn tượng.

Hay chấp niệm với chủ nghĩa hiện thực?

Tuy nhiên về nội dung, có lẽ mối quan tâm của Edgar Degas thực sự tương đồng với chủ nghĩa hiện thực nhiều hơn. Đúng là Degas không vẽ tranh ngoài trời và mô tả ánh sáng như nhiều họa sĩ Ấn tượng khác, chủ đề nổi bật nhất của ông là đời sống thường ngày với trung tâm là các nhân vật, chủ yếu là con người. Cuối những năm 1860, Degas chuyển từ các chủ đề hội họa lịch sử sang một quan sát ban đầu về cuộc sống đương đại. Ông bắt đầu vẽ những người phụ nữ ở nơi làm việc, những người thợ, cảnh ở trường đua ngựa…

Mối quan tâm của ông đến cơ thể phụ nữ được thể hiện ngày càng rõ nét qua hàng loạt những bức tranh chân dung phụ nữ hoặc cảnh phụ nữ tắm. Sau đó là nhiều bức tranh mang dáng vẻ tự nhiên về các vũ công ballet ở hậu trường hoặc trong buổi diễn tập, nhấn mạnh vị trí của họ như những người đang làm việc chuyên nghiệp. Từ năm 1870, Degas ngày càng tập trung vào vẽ chủ đề vũ công ballet, và đây là chủ đề khiến ông được ghi nhớ nhiều nhất.

Edgar Degas 4
Edgar Degas, L’Absinthe (1876)

Một bức tranh khá nổi tiếng của Degas là In a café/The Absinthe drinker (1875–76), mặc dù nó mang dáng vẻ buồn tẻ, ảm đạm. Đây không phải là một khắc hoạ vô tình, bức tranh này có ý nghĩa thời đại của nó. Bạn có thể thấy trong tranh là một cặp đôi đang ngồi cạnh nhau trong một quán cà phê, trông có vẻ chán nản, trên chiếc bàn trước mặt là đồ uống nhạt (absinthe). Cảnh này vừa điển hình vừa mang tính thời sự vào thời Degas. Absinthe (còn được gọi là La Fée Verte hoặc ‘nàng tiên xanh’) là một loại rượu mạnh có màu xanh lục, độ cồn cao. Nó được đổ qua đá, dùng với nước và một khối đường để làm dịu vị đắng, rất dễ gây nghiện và gây ảo giác. Sự phổ biến ngày càng tăng của absinthe và những tác động xã hội tiêu cực của nó đã dẫn đến việc nó bị cấm ở hầu hết các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Ngay giữa làn sóng của trường phái Ấn tượng, rõ ràng bức tranh này thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của Degas một cách sắc nét: ông là một hoạ sĩ hiện thực cực lực quan tâm đến các vấn đề của xã hội.

Sự nghiêm ngặt trong quá trình tạo tác

Cùng bộc lộ một yếu tố hình thức là những bố cục khác thường không có trọng tâm hoặc nhân vật bị cắt xén, hoặc cũng những nét bút phóng khoáng tưởng chừng thiếu sự tỉ mỉ và hoàn thiện, nhưng ở Edgar Degas không có gì là ngẫu nhiên hết. Trong khi các họa sĩ Ấn tượng khác thực hiện tác phẩm ngoài trời nhằm nắm bắt chính xác nhất khoảnh khắc thị giác và hiệu ứng ánh sáng, Degas hoàn thiện hầu hết các tác phẩm của mình trong studio. Quả thực, ông được ghi nhận bởi kĩ thuật phác họa xuất sắc. Degas đã từng tuyên bố: “Chẳng có nghệ thuật nào ít ngẫu nghiên hơn nghệ thuật của tôi. Tất cả những gì tôi làm là kết quả của sự suy ngẫm và nghiên cứu từ các bậc thầy”.

Edgar Degas 3
Edgar Degas, The Rehearsal of the Ballet Onstage (ca. 1874)

Quả thật Edgar Degas nghiên cứu rất kỹ những bậc thầy hội họa đi trước. Vào tháng 7 năm 1856, Degas đi du lịch đến Ý, và bắt đầu vẽ nhiều bản sao các tác phẩm của Michelangelo, Raphael, Titian cùng các nghệ sĩ Phục hưng. Nhưng ông cũng bắt đầu hình thành thiên hướng chủ đề của mình khi chỉ chọn từ các tấm vẽ một chi tiết thu hút sự chú ý của mình: một nhân vật phụ, hoặc một cái đầu ông coi như một bức chân dung.

Degas cũng đặc biệt thần tượng các họa sĩ tiền bối như El Greco, Ingres, Delacroix và Daumier, ông đã dành tiền bán tranh của mình để mua tác phẩm của các bậc thầy này. Có lẽ Degas đã học hỏi nhiều từ Eugène Dalacroix các kĩ thuật để có thể truyền tải chuyển động một cách tài tình. Ở thế hệ của mình, Degas được coi là bậc thầy mô tả chuyển động. Ông chia sẻ “Một người phải thực hành một chủ đề lặp đi lặp lại đến cả chục lần, trăm lần. Trong nghệ thuật chẳng có gì là tình cờ, ngay cả chuyển động.”

Kẻ khắc kỷ khó chịu

Degas đã sống một cuộc sống cá nhân cực kỳ bình lặng. Ông tin rằng “nghệ sĩ phải sống một mình, và cuộc sống riêng tư của anh ta phải là ẩn số”, hay “Đây là tình yêu, đây là công việc: mà ta chỉ có duy nhất một trái tim”.

Năm 1874, cha ông qua đời và nhờ đó Degas biết được rằng em trai mình là René đã tích lũy những khoản nợ kinh doanh khổng lồ. Để bảo toàn danh tiếng cho gia đình, Degas đã bán ngôi nhà và một bộ sưu tập nghệ thuật mà ông được thừa kế rồi dùng tiền để trả nợ cho em trai. Kể từ đó, lần đầu tiên trong đời Degas phụ thuộc vào việc bán các tác phẩm nghệ thuật của mình để có thu nhập. Nhưng Degas lại làm việc hiệu quả trong áp lực. Suốt thập kỷ sau đó cũng là quãng thời gian ông đã tạo ra phần lớn tác phẩm vĩ đại nhất của mình.

Edgar Degas 2
Edgar Degas, Ballet (1878)

Trong nhóm bạn, Edgar Degas được biết đến với sự hài hước nhiều khi có thể là tàn nhẫn. Tiểu thuyết gia Geogre Moore mô tả Degas là “ông già thô lỗ”, còn ông thì cố tình xây dựng hình tượng của mình như một kẻ độc thân ghét đời.

Vào những năm 1870, Degas bị thu hút bởi nhóm cộng hòa của Léon Gambetta. Tuy nhiên, tinh thần cộng hòa nơi ông dần mai một, các dấu hiệu của thành kiến ​​và xu hướng chính trị cực đoạn ngày càng lấn át khi ông lớn tuổi hơn. Degas đã sa thải một người mẫu khi biết cô ấy theo đạo Tin lành. Mặc dù ông đã vẽ một số chủ đề Do Thái từ năm 1865 đến năm 1870, bức tranh Chân dung tại Sở giao dịch chứng khoán năm 1879 của ông có thể là một bước ngoặt cho thấy sự thay đổi về quan điểm chính trị. Bức tranh là chân dung của chủ ngân hàng người Do Thái Ernest May – người có thể đã tài trợ cho tác phẩm và là chủ sở hữu đầu tiên của nó – được các chuyên gia hiện đại coi là bài Do Thái.

Vụ bê bối chính trị Dreyfus gây chia rẽ cộng đồng Paris từ những năm 1890s đến đầu 1900s càng làm tăng cường chủ nghĩa bài Do Thái của Degas. Vào giữa những năm 1890, ông đã cắt đứt quan hệ với tất cả những người bạn Do Thái của mình và từ chối sử dụng những người mẫu mà ông tin rằng có thể là người Do Thái. Ông là thành viên của một tổ chức bài Do Thái một cách không ngần ngại cho đến khi qua đời.

Xu hướng khắc kỷ của Degas thể hiện trong cả những bức tranh nổi tiếng nhất của ông. Các vũ công ballet thường không trong những trạng thái duyên dáng mà được khắc họa ở những tư thế tự nhiên, đôi khi khắc khổ. Đây là điều không hay thấy ở thời đại của ông, khi nghệ thuật vẫn luôn gắn liền với cái đẹp. Đặc biệt bức tượng Vũ công nhỏ tuổi mười bốn (1878-1881) của Degas đã gây ra những tranh cãi lớn đến mức ông không thể mở thêm triển lãm điêu khắc nào lúc còn sống.

Edgar Degas, Little Dancer Aged Fourteen (1878-1881)

Bức tượng rời xa những chuẩn mực điêu khắc thông thường để miêu tả một vũ công nhỏ tuổi chẳng có nét nào là ngây thơ. Từ kích thước chân thực cho đến khuôn mặt vừa ảm đạm vừa suy đồi của cô gây khó chịu cho người xem – dường như đó là một vũ công đã sớm phải tham gia vào nền kinh tế tình dục Paris bấy giờ. Cuộc sống rất tàn bạo với những vũ công ballet người Pháp và mọi thứ được phơi bày dưới bàn tay khắc họa của Degas.

Để nắm bắt chuyển động của các vũ công, Degas yêu cầu người mẫu của mình tạo dáng trong nhiều giờ liền và chịu đựng sự đau đớn khi duy trì các tư thế xoay thẳng đứng. “Có lẽ đã quá nhiều lần tôi coi phụ nữ như một con vật,” ông từng không kìm được mà chia sẻ với họa sĩ Pierre Georges Jeanniot. Bởi vậy mà Degas bị gắn với tai tiếng là kẻ kỳ thị phụ nữ, cho dù hình ảnh phụ nữ tràn ngập trong tranh ông dường như cho thấy sự chân thật và tôn trọng. Nhưng có lẽ, Degas nhẫn tâm và khắc nghiệt với phụ nữ cũng chỉ ngang như với bạn bè ông, và hơn hết với chính bản thân ông.

Nhiều năm trôi qua, Degas ngày càng trở nên cô lập. Bản tính thích tranh luận của ông khiến bạn bè chán nản, đến mức Renoir – dù là người kiên nhẫn nhất, cũng phải cảm thán rời đi. Sau năm 1890, thị lực của Degas, vốn đã gây khó khăn cho ông từ lâu, ngày càng kém đi. Ông được biết đến là đã làm việc trong với màu phấn vào cuối năm 1907, và được cho là đã tiếp tục làm các tác phẩm điêu khắc vào cuối năm 1910, nhưng dường như ông đã ngừng làm việc vào năm 1912, khi việc phá hủy nơi ở lâu năm của ông sắp xảy ra. Degas không bao giờ kết hôn, và trải qua những năm cuối đời gần như mù lòa, lang thang trên đường phố Paris trước khi qua đời vào tháng 9 năm 1917.

Những tác phẩm nổi bật

Degas sống đến tuổi 84 và làm việc miệt mài và không ngừng học hỏi từ khi còn trẻ cho đến lúc về già lực bất tòng tâm, vào một giai đoạn bùng nổ những cách mạng trong sáng tác nghệ thuật. Vì vậy bên cạnh những bố cục khác thường, kĩ năng phác thảo thuần thục và nỗi ám ảnh với nhân vật, khá khó để chỉ ra những đặc trung xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. Chúng ta có thể điểm qua một vài tác phẩm tiêu biểu cho những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sáng tác của Degas.

The Bellelli Family (1858–1867)

Edgar Degas 1

Bức tranh được bắt đầu thực hiện năm 1858, khi Degas đến ở với gia đình dì của mình ở Naples và hoàn thành nhiều năm sau, khi ông đã trở lại Paris. Bức tranh nằm trong thời kỳ Degas chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách hội họa lịch sử nhưng gắn với những chủ đề cá nhân và riêng tư hơn mà Degas quan tâm, nó có thể coi như một tác phẩm gần hơn với chủ nghĩa hiện thực. Đây được coi là kiệt tác đầu tiên của Degas, nhận được sự chú ý khi trưng bày ở salon công cộng.

The Dance Class (1874)

The Dance Class cũng là một bức tranh rất nổi tiếng của Edgar Degas (bức tranh có tới hai phiên bản chỉ khác nhau ở một vài chi tiết). Bức tranh này được vẽ ở những năm đầu khi Degas thay đổi hướng đi, có thể nhận thấy nó vẫn còn gần gũi với phong cách cổ điển, sử dụng các kỹ thuật mô tả tỉ mỉ và chân thực như trong hội họa lịch sử. Degas đã quan sát rất kỹ và khắc họa chính xác những cử chỉ tự nhiên, bình dị và nhất thời, những khoảng dừng khi cơ thể bắt đầu thư giãn và chùng xuống sau nỗ lực luyện tập mệt mỏi và tập trung khắt khe.

Place de la Concorde (1875)

Bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt thường ngày trên đường phố Paris, và có bố cục tự phát như thể một “ảnh chụp nhanh”, mô tả một khoảnh khắc đóng băng của thời gian để khắc họa chúng theo đúng tinh thần của trường phái Ấn tượng, mang lại cảm giác chuyển động. Những thay đổi trong bảng màu, nét vẽ và cảm giác bố cục của Degas đều chứng tỏ ảnh hưởng của cả trường phái Ấn tượng lẫn nhiếp ảnh hiện đại, với những hình ảnh tự phát và những góc chụp không đẹp mắt,

Dancers in Blue (1895)

Edgar Degas 6

Cùng với sự thay đổi về đối tượng, kỹ thuật của Edgar Degas cũng thay đổi. Bảng màu tối chịu ảnh hưởng của hội họa Hà Lan đã nhường chỗ cho việc sử dụng màu sắc sặc sỡ và những nét vẽ đậm. Một số chi tiết vẫn được khắc họa chân thực, một số trở thành những nét cọ dài đậm phóng khoáng mang tính phác thảo, và chính phong cách này như được sinh ra để truyền tải không khí và những chuyển động mà ballet gợi ra. Không bỗng dưng mà tác phẩm này trở thành đại diện khi nhắc đến Edgar Degas. Trong chỉ một bức tranh, ta bắt cách khắc họa tương phản sáng tối của phong cách Baroque, cách dùng chấm màu của Trường phái chấm họa (Pointillism), cách loang màu mềm mại ảnh hưởng từ Claude Monet, nhưng tổng thể lại tạo ra một tác phẩm rất độc đáo của riêng Edgar Degas và khác biệt với cả những tác phẩm còn lại của chính Degas.

After the Bath, Woman Drying her Nape (1898), pastel on paper

Chủ đề phụ nữ tắm cũng khá quen thuộc đối với Edgar Degas. Những người phụ nữ trong trạng thái thoải mái và trần trụi nhất lúc tắm, lúc mà họ dường như có thể là chính mình. Tuy là những bức tranh khỏa thân nhưng chúng ta lại không thấy trong đó sắc thái nhục dục khêu gợi.

Ukrainian Dancers (c. 1899), pastel and charcoal on paper

 

Phong cách hiện thực tỉ mỉ thời trẻ của ông đã nhường chỗ cho hình thức ngày càng trừu tượng. Đặc biệt do sự chuyển đổi sang chất liệu màu phấn cho phép lớp nền mỏng đi và đường nét bay bổng hơn. Ngoại trừ đặc trưng trong tay nghề phác thảo xuất sắc và nỗi ám ảnh về nhân vật, những bức tranh được tạo ra vào thời kỳ cuối đời ông, khi thời kỳ hoàng kim của Trường phái Ấn tượng đã đi qua – lại là những bức tranh sử dụng một cách sinh động nhất các kỹ thuật màu sắc của Trường phái Ấn tượng.

Nguồn tranh: Wikimedia Commons, Public Domain

Nhữ Giao tham khảo và viết ngày 12.10.2022