Suy tư, Triết học

Ngôi nhà triết học

Đến một lúc tôi nhận ra, tại sao với triết học, lòng ngưỡng mộ lại là quan trọng.

“Sự thật có thể là sống còn, nhưng nếu không có tình yêu, sự thật sẽ là không thể chịu đựng được”(1).

Triết học là một ngôi nhà khắc nghiệt. Cuộc dấn thân đi tìm sự thật là một hành trình giằng xé và cam go. Nếu không được dẫn đường bằng lòng ngưỡng mộ, không được sưởi ấm bằng một sự rung động mạnh mẽ, một lòng say mê chân thành, một thứ tình cảm thuần khiết (chứ không phải sự kích thích); đó sẽ là những chuỗi dày vò nghiệt ngã. “Đọc sách triết học là chấp nhận trả giá rất lớn” – tôi đã hiểu rằng lời ấy đúng – với những người không có ngọn lửa ấy trong tim.

Tôi đã hiểu vì sao trước đây mình cứ mãi đi lang thang, lòng vòng ở ngoài, không thể dấn thân nổi. Vì tôi chưa được trang bị đầy đủ. Tôi chưa được thắp lên ngọn lửa ấy trong tim. Tôi chưa sẵn sàng khi đứng trước sự khắc nghiệt của sự thật.

The Judgement of Solomon, Peter Paul Rubens (1617)

Triết học giờ đây chỉ còn là một bộ môn lý thuyết, chẳng khó hiểu nếu người ta muốn tách biệt cá nhân mình để đọc nó, nghiên cứu nó hoàn toàn bằng lý trí. Nhưng phương pháp chính của triết học là tư biện (speculative) – điều này đồng nghĩa rằng không thể tách rời các triết thuyết với con người và cuộc đời của các triết gia – quá trình hình thành nên thức nhận của họ. Cũng rằng là không thể tách rời việc đọc triết với chính những tác động của nó lên cuộc đời của ta.

Triết học là cuộc sống. Không phải chạy trốn khỏi cuộc sống, mà là để thực sự sống. Có lẽ người ta đã quên điều này, khi quá khứ huy hoàng của Triết học thời Hy Lạp hay truyền thống Triết học Kito giáo đã lùi xa. Lòng yêu sự thông thái chính là để đến gần hơn với sự thật – để nhìn mọi sự gần hơn với bản chất thực của nó, rồi từ đó để sống mà hướng về mục đích tối thượng của cuộc sống, ý nghĩa thực sự của “làm người” – nếu có. Lý thuyết không phải cứu cánh tự thân. “Rõ ràng và nhất định”(2) lý thuyết phải phục vụ thực hành.

Sự học thật sự không chỉ là chuyện đi vào các hệ thống. Cần có một ai đó khiến ta cảm thấy đây chính là ngôi nhà của mình.

Tôi đã đặt một chân vào ngôi nhà triết học. Tôi sẽ viết về ngọn lửa đã sưởi ấm cho tôi, khi đã đặt được cả hai chân vào đây và vui vầy với chữ nghĩa từng ngày.

Bây giờ thì tôi có thể nói rõ ràng mục đích việc học triết của mình: để nói ra sự thật. Tôi cần có tư duy và ngôn ngữ để trình bày và làm sáng tỏ những cảm nhận của mình. Triết học với tôi là người dẫn đường, là người bạn đồng hành, cũng là phương pháp và công cụ trong cuộc dấn thân tìm về sự thật.

(1) Trích dẫn từ phim The two Popes (2019).

(2) Ca ngợi Triết học thời cổ (2002), Pierre Hadot, Đậu Văn Hồng dịch, NXB Tôn giáo.