Suy tư, Triết học

Hạnh phúc, khổ đau và hai mặt của một đồng xu

Đã lâu rồi tôi chưa viết. Hơn một tháng. Trong cảm xúc có nhiều dồn nén, vậy nên đọc lại những gì mình đã viết luôn thấy có phần gượng gạo, xơ cứng. Nhận thức cũng liên tục có nhiều biến động, từ ý tưởng viết ra được đến cuối bài đã lại thấy nông cạn, gắng gồng quá sức.

Đáng ra cái viết nào cũng nên là một dòng chảy, chứ không phải mục này là dòng chảy, mục kia thì không. Đủ thành thật thì cái viết tự dưng trở thành một dòng chảy vậy.

Tôi đã từng nghĩ mình cũng muốn hạnh phúc. Hạnh phúc là một mưu cầu phổ biến và hiển lộ đến mức trở thành hiển nhiên, và tôi đã chẳng đặt câu hỏi gì về nó.

Hạnh phúc và đau khổ giống như hai mặt của một đồng xu – Osho đã nói như vậy. Tôi không nhớ đã đọc ông năm 20 hay 21 tuổi – cũng là một cú đọc quan trọng của cuộc đời. Nhưng lúc đó tôi không hiểu hết ẩn dụ này. Hai mặt của một đồng xu ý nói sự tồn tại đồng thời: Hạnh phúc ở đây và đau khổ ở kia. Hạnh phúc lúc này và rồi đau khổ lúc khác. Và như vậy là tôi đã không hiểu hết.

Hai mặt của một đồng xu tức thực ra chúng chỉ là cùng một thứ. Vậy thứ đó là gì?

Nỗi đau cũng có thể rất dịu dàng. Chỉ cần xuất phát từ một trái tim thuần khiết – Tháng Mười, năm Hai ngàn mười bảy

Trong buổi học môn Âm nhạc, cô giáo cho chúng tôi xem một cảnh trong Shawshark Redemption, đoạn Andy bất chấp luật lệ chạy vở Opera The Marriage of Figaro của Mozart cho cả nhà tù nghe. Trong đó có lời thoại thế này:

“Tôi không biết ngày hôm nay hai người phụ nữ Ý đó đang hát về cái gì. Sự thật là, tôi cũng không muốn biết. Một số điều tốt hơn hết là chẳng cần phải nói ra. Tôi muốn nghĩ rằng họ đang hát về một điều gì đó thật đẹp, đẹp đến mức chẳng diễn tả được bằng lời, và điều đẹp đẽ ấy khiến trái tim bạn đau nhói. Tôi có thể nói với bạn rằng những giọng ca đó bay bổng, cao hơn và xa hơn bất cứ điều gì mà ở nơi xám xịt này chúng tôi dám mơ ước. Giống như một con chim xinh đẹp vỗ cánh lay động cái lồng nhỏ buồn tẻ của chúng tôi và làm cho những bức tường tan biến – trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhất, tất cả những người đàn ông cuối cùng ở Shawshank đều cảm thấy tự do.”

Cảnh trong phim Shawshark Redemption

Cô giáo hỏi chúng tôi: Tại sao điều đẹp đẽ như vậy lại khiến người ta đau nhói?

Dễ hiểu nhất, như một vài người nói: Bởi điều đẹp đẽ ấy khiến họ nhận ra họ đang ở trong hoàn cảnh giam cầm tù túng đến mức họ thậm chí chẳng thể mơ đến những điều đẹp đẽ như vậy.

Cô lại hỏi: Có lẽ đúng, nhưng có phải chỉ có như vậy?

Lúc ấy một điều gì tuôn ra trong tôi: Dường như đau đớn, nếu đi đến tận cùng của nó, ta sẽ cảm thấy được hạnh phúc ở đó. Và ngược lại, hạnh phúc, nếu đi đến tận cùng, cũng là nỗi đau đớn – Tôi nói.

Tại sao lại như vậy? – Cô hỏi – Có những lần tôi ngắm bình minh, đẹp đẽ và xúc động vô cùng, nhưng cùng lúc đó lại có cảm giác đau đớn không thể giải thích được. Hoàn toàn không phải là lúc đó tôi có chuyện buồn hay tôi nhớ lại kí ức gì đau buồn, đó là một cảm giác đau đớn không thể giải thích được.

“Em không biết, nhưng có thể là, có thể là hạnh phúc và đau khổ đều là cách mà chúng ta gắn kết với cuộc sống này. Vậy nên khi chúng ta đạt đến tận cùng của một thứ, chúng ta cùng lúc chạm tới thứ còn lại.”

Tôi thậm chí chẳng nhớ nổi mình có kịp nói lời cuối cùng trên đây không. Nhưng chắc chắn, tôi đã chẳng thể bắt đầu lí giải được cảm giác của mình gần hai năm về trước, cho đến buổi học hôm đó, khi có người trực tiếp đòi tôi một lời lí giải.

Khi ta đau đớn – bất kể đau đớn vì điều gì, thì sâu xa căn nguyên, cũng là bởi ta đang cắm rễ sâu vào đời sống này. Ta tha thiết vô cùng với ai đó, với điều gì đó. Và cũng chính những tha thiết đó, là điều khiến chúng ta hạnh phúc.

Hạnh phúc và khổ đau là những chiếc lá trên cùng một cái cây – đó là ẩn dụ của tôi. Ở gốc rễ của cái cây này, chúng ta gắn kết sâu sắc với đời sống này, thân xác này, kiếp người này – bằng lòng tha thiết, bằng tình yêu thương, bằng những nỗi khao khát… (và cũng chính ở đó, một hàng biên mỏng manh nơi ta có thể vượt qua đời sống này mà chạm đến phần thiêng liêng, phi phàm). “Một trái tim thuần khiết” tức sự đồng thuận (chấp nhận) cho phép mỗi rung động của một chiếc lá đạt đến cực đại biên độ dao động của nó – mức mãnh liệt nhất, và cũng là sự thả lỏng cho phép rung động mãnh liệt ấy tạo thành một dòng tương tác truyền đến tận gốc rễ của cả cái cây. Chính tại gốc rễ này, rung động đạt đến tận cùng của nó, và được truyền đi khắp cả cái cây, khiến cho cả những chiếc lá khác cũng rung động.

Trên chiếc cây đó chẳng phải chỉ có những chiếc lá hạnh phúc và khổ đau, mà còn nhiều những chiếc lá khác, nào giận dữ, nào biết ơn, nào tiếc nuối… Nhưng bởi hạnh phúc và khổ đau là một đối lập, rất có thể rung động của chúng đồng bộ với nhau theo cùng một tần số – mà cực này là đỉnh sóng và cực kia là hõm sóng mà thôi.

Vậy là tôi vừa hoàn thành việc tầm thường hóa những trải nghiệm màu nhiệm bằng ngôn từ. Tại sao “Một số điều tốt hơn hết là chẳng cần phải nói ra”? Bởi ngôn từ thì hữu hạn, tả sao được những trải nghiệm đến gần với thiêng liêng, vô cùng vô tận. Ngôn từ là những sự chết – đóng khung đối tượng của nó trong cô lập và bất động.

Nhưng chẳng phải chết cũng là giải thoát? Mà tôi thì đang kêu cầu sự giải thoát. Có ai muốn được giải thoát mà không chấp nhận sự chết – bằng cách này hay cách khác?

Và nếu không chết, làm sao có thể được tái sinh. Và nếu không chết đi rồi tái sinh lại mãi, thì làm sao đi theo cùng vô tận.

Giờ thì có một điều tôi biết rõ, và nhất thiết phải nói ra bằng lời. Thân phận con người – là bất toàn. Chúng ta không thể có được tất cả những điều chúng ta muốn. Vậy thì quan trọng lắm: chúng ta phải biết được rằng điều ta muốn nhất là gì, và dồn sức nỗ lực vì nó. Rất có thể, để có thể có được điều muốn nhất ấy, chúng ta phải chấp nhận từ bỏ một vài điều khác ít muốn hơn.

Dẫu rằng ở một chừng mực nào đó, tôi có muốn hạnh phúc, và đương nhiên tôi cũng không muốn phải chịu đau khổ – như hầu hết những người bình thường. Nhưng hạnh phúc không phải là điều tôi muốn nhất.

Điều tôi muốn nhất: vượt lên khỏi sự tầm thường.

Những người có phần nào vượt thoát khỏi sự tầm thường mà tôi biết, chẳng có ai nói về hạnh phúc, chẳng ai lấy hạnh phúc làm thang đo. Các tôn giáo chân chính cũng vậy. Như phái khắc kỉ, như truyền thống khổ hạnh của các dòng tu Kito, hay Đạo Phật còn cho rằng theo đuổi hạnh phúc chính là nguyên nhân gây ra nỗi bất hạnh của con người. Tất cả đều khước từ hạnh phúc. Hạnh phúc là cái bẫy cho những kẻ tầm thường. Hạnh phúc – nếu có, là hệ quả chứ không phải mục đích.

Tôi không chắc đời này có ngày nào tôi đạt được điều muốn nhất ấy hay không, nhưng tôi đã biết mình chẳng muốn điều gì hơn thế, nên tôi xác quyết sẽ không ngừng nỗ lực hướng tới nó.

Tôi đồ rằng, trong cuộc đời bất toàn này, điều duy nhất đưa chúng ta vượt thoát khỏi sự tầm thường, chính là sự nỗ lực liên tục và chuyên chú. Dẫu ngày khải hoàn có khả dĩ hay không.

Chậm rì, chậm rì
Kìa con ốc nhỏ
Leo đỉnh Fuji

Viết đến đây thì tôi tự nghi ngờ một vài điều mình vừa viết. Nhưng có lẽ xin dừng bút ở đây, chấp nhận thức nhận của bản thân ở thời điểm hiện tại.