Triết học thời cổ – Tính đời thường của Triết học
(Có thể coi như một bài tóm tắt sách)
Ca ngợi Triết học thời cổ là món quà sinh nhật tuổi hai bảy của tôi. Tôi đã chẳng nghĩ một cuốn sách gần như chẳng có tên tuổi và vẻ ngoài thì hết sức tầm thường ấy lại có thể cộp một dấu mốc quan trọng trong cái năm đáng nhớ bậc nhất của đời mình. Không gói gọn như cái tên của nó, Ca ngợi Triết học thời cổ dung chứa nhiều mạch chảy sơ lược và cả những vẻ đẹp khó cưỡng của Triết học từ thời cổ cho đến thế kỉ XIX.
Nhà xuất bản Tôn giáo là đơn vị xuất bản cuốn sách này, cũng với bản dịch Việt ngữ của Đậu Văn Hồng – vốn là một cha xứ, một tiến sĩ triết học, đã giảng dạy tại Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam trong khoảng thời gian hơn 10 năm. Đây sẽ là chi tiết quan trọng hiển hiện mối quan hệ giữa triết học và tôn giáo, không chỉ ở phương Đông mà phương Tây cũng vậy. Cuốn sách gốc thực ra là văn bản ghi chép lại Bài học khai mở niên khóa, hay có thể coi là bài phát biểu nhậm chức của Pierre Hadot tại Học Viện Pháp Quốc năm 1983, sau khi ông được đề đạt chủ nhiệm ngành Lịch sử tư tưởng Hy Lạp và La Mã tại đây. Thực ra Pierre Hadot chính đang lặp lại truyền thống kinh điển của thời đại mà ông nghiên cứu: truyền bá triết học qua các bài nói, bài giảng, hùng biện, sau đó mới ghi chép chúng lại thành sách. Sự duyên dáng trong bản chuyển ngữ của Đậu Văn Hồng đủ để truyền đạt sự mềm mại của văn nói, mà vẫn đảm bảo sự dễ hiểu (tôi tự đánh giá mình là người đọc trung bình), tuy nhiên về thuật ngữ hơi thiếu sự đối chiếu và thống nhất với các bản dịch Triết học phổ biến khác ở Việt Nam.
Tầm quan trọng của Lịch sử tư tưởng Hy Lạp và La Mã
Sau khi bày tỏ lòng tri ân và niềm vui với vị trí mới, Pierre Hadot khẳng định ý nghĩa của việc hình thành bộ môn Lịch sử tư tưởng Hy Lạp và La Mã – cho dù bộ môn này lúc đó chưa hẳn hợp thời. Tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp, ngữ văn học và triết học, trào lưu Hy La và Kitô giáo đáng lẽ có luôn có mối liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng trong rất nhiều hoàn cảnh đã thường bị tách rời nhau một cách tùy tiện – và việc giảng dạy Lịch sử tư tưởng Hy Lạp và La Mã chính nhằm mục đích đảm bảo và củng cố mối liên kết đó.
Pierre Hadot nhắc kĩ về tác phẩm “Văn chương Hy Lạp tại Tây Phương từ thời Macrobe đến thời Cassiodore” của Pierre Courcelle như một lời mở đầu cho phương hướng cần được tiếp nối và đắp bồi dày tầng hơn. Tác phẩm không chỉ cho thấy tầm quan trọng của văn chương Hy Lạp trên khía cạnh tạo điều kiện triển nở cho văn chương La tinh. Đặc biệt giai đoạn thế kỉ V-VI vốn được mệnh danh là “suy đồi” nhưng chính lúc này văn chương Hy Lạp đã trải qua một cuộc phục hưng đặc biệt khiến phương Tây thời Thượng Cổ duy trì được sự tiếp giáp với tư tưởng Hy Lạp. Pierre Courcelle vốn là một nhà ngữ văn học, nhưng ông đặc biệt quan tâm đến phạm vi triết sử [như một sự kế thừa truyền thống văn sử triết bất phân của kinh điển], bằng một phương pháp ngữ văn học rất chặt chẽ và đậm tính khoa học là đem các văn bản so sánh với nhau (phương pháp do Paul Henry đề xướng), ông đã chứng minh rằng tư tưởng La tinh Kitô giáo từ căn gốc đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ trương Tân Plotin của Hy Lạp,
Hai điểm độc đáo trong thành quả của Pierre Courcelle có thể trở thành mẫu mực cho nhiều nghiên cứu sau này, đầu tiên phải kể đến nguyên tắc đơn giản nhưng tối quan trọng, là phải diễn nghĩa một văn bản theo đúng thể loại văn chương của nó, mà tính chất của thể loại văn chương này lại cần được nhìn nhận theo đúng bối cảnh lúc nó ra đời. Thứ nữa, Pierre Courcelle đã tạo ra sự liên kết việc khảo cứu văn chương và truy tầm trên phương diện ảnh tượng, mà riêng với Kitô giáo việc này càng có ý nghĩa thiết yếu để dựng lại lịch sử của tâm thức và trí tưởng tượng.
Phạm vi nghiên cứu của Lịch sử tư tưởng Hy Lạp và La Mã
Pierre Hadot giải thích hai chữ “tư tưởng” (thought) được lựa chọn thay vì triết học, không chỉ để tránh những thiên kiến về triết học, mà còn muốn mở rộng phạm vi nghiên cứu ra những trường mênh mông vô hạn, từ chính trị tới nghệ thuật, từ thi ca tới khoa học và triết học, cả tôn giáo và pháp thuật. Để mối quan tâm lan ra rộng như thế nhưng thực chất là để thu về điều cốt yếu nhất, chính là những “hiện tượng cội nguồn” (urphanomene – Goethe) – những hiện tượng điển hình và đậm nghĩa nhất của thế giới Hy La.
Lịch sử Hy Lạp và La Mã cũng được khuôn lại cho rõ ràng, chính là Hy Lạp hậu lai (hellenistique). Khác với truyền thống Hy Lạp vốn có, Hy Lạp hậu lai được mở đầu từ biến cố giàu tính biểu tượng là cuộc viễn chinh của Alexxandre mở ra sự thịnh vượng của Roma, cũng là nguyên nhân gây ra sự phá hủy các vương quốc chịu ảnh hưởng của Hy Lạp hậu lai, hoàn tất vào năm 30 TCN với cái chết của Cleopatre, sau đó là sự bành trướng của đế quốc Roma đưa đến sự thắng vượt của Kitô giáo, rồi cuộc xâm lược của người man di dẫn đến sự kết liễu của Đế Quốc Phương Tây [Đế chế Tây La Mã].
Phương pháp nghiên cứu
Có hai tiến trình cần được vận dụng đính kèm với nhau, theo đề xuất của Pierre Hadot, đó là việc giải thích tư tưởng La tinh bằng nền tảng Hy Lạp của nó, và đi ngang qua các văn sĩ La tinh để tìm lại tư tưởng Hy Lạp đã chìm khuất. Nói cách khác, trong công trình nghiên cứu không thể tách rời tiếng Hy Lạp khỏi tiếng La tinh.
Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến việc phân tích những xê xích về nghĩa khi có sự dời chuyển từ ngôn ngữ Hy Lạp sang ngôn ngữ La tinh, đặc biệt trong phạm trù triết học. Thế giới Hi La là một cộng đồng ngôn ngữ văn hóa quan trọng đã được hình thành với cái giá đắt đỏ chính là sự sai trượt ngữ nghĩa, sự lệch lạc nội dung các huyền thoại, các giá trị, các minh triết vốn dĩ đặc loại với từng nền văn hóa, nhưng cũng chính tiến trình thống nhất hóa này là cơ sở cho mối liên tục kỳ diệu trong nội vi các truyền thống văn chương, triết học, tôn giáo…; mà đặc biệt là trong triết học ta có thể quan sát rõ nhất sự liên tục này.
Sơ lược chuyển động và các trường phái của Triết học Hy Lạp hậu lai
Buổi đầu thời kỳ Hy Lạp hậu lai là sự nở rộ của phong trào biện luận và các phương pháp của Socrates, từ đó các nhà trường bắt đầu đua nhau ra đời. Cho đến thế kỉ III TCN, sự tuyển lựa bắt đầu hình thành, chỉ còn lại những nhà trường mà các vị sáng lập đã nghĩ tới việc tạo nên những cơ chế có tổ chức, bao gồm bốn nhà trường: của Platon, của Aristotle và Theophraste, của Epicure và của Zenon và Chrysippe; cùng hai phong trào nổi bật là Hoài nghi (scepticisme) và Ngạo ngược (cynisme). Từ thế kỉ III TCN đến thế kỉ III SCN, các trường tư và ghế giảng dạy chính thức có tài trợ được thành lập khắp Đế Quốc nhưng vẫn tiếp nối ổn định sáu truyền thống trên. Chỉ sau thời kì đó, học thuyết Platon mới trở nên hoàn thiện và thâu nạp vào nó học thuyết Aristotle cùng học thuyết khắc kỷ, trong khi các truyền thống khác bị loại ra ngoài lề và dần mai một, để chỉ còn lại duy nhất học thuyết Tân Platon thống lĩnh toàn bộ thời Trung Cổ và thời Phục hưng, trở thành mẫu số chung cho nền thần học Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo.
Đặc điểm chính của triết học thời cổ
1. Đầu tiên là cách hiểu của thời kỳ này về “hành vi triết lý” (le philosopher) thực thụ: hàm chứa một sự đoạn tuyệt với đời sống thường nhật. Bởi vì triết gia là người say mê sự minh triết, mà minh triết này đâu phải trạng thái của con người. Nó là trạng thái tuyệt hảo về mặt hữu thể và nhận thức của thần thánh, vậy tức là triết gia dành tình yêu cho một nền minh triết xa lạ với thế giới, từ đó chính bản thân ông ta trở nên xa lạ với thế giới.
Dựa trên sự thôi thúc đó, mỗi trường phái sẽ soạn thảo quan niệm suy lý của mình về trạng thái toàn hảo mà một nhà hiền triết cần đạt đến, từ đó phác họa chân dung của một nhà hiền triết, thái độ nội tâm cơ bản và phong cách sống đặc thù để ứng xử với đời sống thường nhật. Cùng lúc đó, mỗi trường phái cũng đồng thời diễn đạt thế giới quan và ý niệm suy lý về Thiên Chúa hay Lý trí toàn hảo.
2.Để đạt được sự tiến bộ tinh thần trên hành trình dẫn đến cấp độ minh triết lý tưởng, các trường phái đều đi đến phương pháp chung là các công việc tập luyện, bao gồm tập luyện kiểm soát bản thân (chú ý đến bản thân, ý chí nỗ lực, tin vào tự do luân lý và khả năng cải thiện mình) và tập luyện suy niệm (luyện tập thuần lý trí bằng con đường tưởng tượng hoặc con đường trực giác). Trong quá trình thao luyện ấy, khoa biện chứng và khoa tư từ đóng vai trò xuyên suốt nhằm đạt được hiệu quả tối đa.
Như vậy, trong triết học thời cổ, lý thuyết tự nó không bao giờ được coi như cứu cánh tự thân, mà phải nhằm phục vụ thực hành.
3.Bởi vì coi trọng quá trình thao luyện nên triết học thời cổ coi trọng sự nhất quán, nghĩa là nơi mỗi trường phái, không có vấn đề bàn bạc về các giáo điều hay các nguyên tắc phương pháp luận. Những người hành triết một khi đã lựa chọn một trường phái nghĩa là qui phục phong cách sống và chấp nhận các giáo điều của trường phái ấy [điều này chỉ thay đổi bắt đầu từ Descrates ở thế kỉ XVI– bằng sự hoài nghi]. Công việc suy tư và soạn thảo về phương diện lý thuyết nhắm vào việc tìm cách chứng minh và hệ thống hóa các giáo điều ấy, hoặc những điểm phát sinh từ các giáo điều mà chưa được đồng tình chấp nhận, và công việc này chỉ dành cho những người đang trên đà thành đạt, giúp họ củng cố đời sống triết lý.
Cách đọc tác phẩm Triết học thời cổ
1.Các tác phẩm triết học thời cổ có thể gây nản lòng người đọc hiện đại, mặc cho chiều kích phổ quát cũng như chiều kích thường hằng của nó. Bởi vì muốn hiểu các tác phẩm của thời đại này, cần phải chú ý tới tất cả những điều kiện cụ thể đã ảnh hưởng đến việc viết lách của các triết gia: khuôn khổ của trường phái, bản chất đặc thù của triết học thời ấy, các thể loại văn chương, những quy tắc tu từ, những chỉ thị mang tính giáo điều, những phương thức lý luận theo truyền thống.
Đầu tiên, các tác phẩm thời cổ dù đã thành văn cũng không bao giờ hoàn toàn vượt thoát khỏi những ràng buộc gắn liền với việc truyền khẩu: sự cuốn hút của nhịp điệu và âm vận cũng như ma lực của động từ, đặc biệt là chiều kích vấn đáp, phù hợp với tính chất của công việc giảng dạy là tranh luận theo phương pháp biện chứng hoặc phương pháp tu từ.
Các tác phẩm thời cổ hoặc được xếp vào thể loại công kích, hoặc là theo kiểu chú giải, hoặc mang tính hệ thống hóa. Nhưng ngay cả với thể loại cuối cùng vốn gần với văn viết nhất, cũng không giống các tác phẩm hiện đại, bởi chúng không nhằm ngỏ lời với công chúng rộng rãi mà chỉ với một nhóm nhỏ những thành viên của trường phái, với nhiệm vụ đúc kết lại những vấn đề đã được nêu trong lúc giảng dạy trực tiếp. Nói chung, hầu hết các công trình đều không phải để thông tin (informer) mà để huấn luyện (former).
2.Cũng chính vì những khuôn mẫu và định chế đặt lên vai người viết ấy mà nảy sinh một nghệ thuật nơi các tác giả thời cổ là biết vận dụng khéo léo mọi cưỡng bức để nói được ý của mình. Cần phải phân biệt đâu là điều tác giả buộc phải nói, đâu là điều tác giả đã có thể hoặc không có thể nói ra, và nhất là đâu là điều tác giả đã muốn nói.
Lịch sử phải là lịch sử tiêu biểu
Không chỉ phân tích chuyển động tư tưởng trong những tác phẩm triết lý, Pierre Hadot muốn truy tìm và nêu bật được lịch sử tiêu biểu, tức là phải nghiên cứu sự biến chuyển ý nghĩa của các khuôn mẫu (topoi/topos) và nghiên cứu vai trò mà các khuôn mẫu ấy nắm giữ trong tiến trình hình thành tư tưởng Tây Phương, đồng thời phân biệt nghĩa nguyên thủy của các châm ngôn hay khuôn mẫu với những ý nghĩa mà các giải thích về sau đã quy gán cho chúng.
Sở dĩ có điều này bởi vì có một truyền thống không tên trong triết học Tây Phương có thể hiểu nôm na là “công việc tái chế”, trong đó các nhà tư tưởng vay mượn những yếu tố tạo sẵn như các khái niệm hoặc các công thức, hình ảnh, ẩn dụ của người đi trước và nỗ lực đưa chúng vào trong một hệ thống mới có chiều kích lý tính, và quá trình này dễ thường đi kèm với sự quy gán nghĩa mới. Ví dụ, lời sấm “Bạn hãy nhận biết chính mình” xuất phát từ ngôi đền Delphes của Hy Lạp đã khởi ra một truyền thống xuất phát từ Socrates đến Augustine và rồi Descartes và sau này là Husserl với nhiều lớp lang những bước chuyển nghĩa.
Để làm được điều đó, lịch sử tiêu biểu của Pierre Hadot sẽ chọn làm đối tượng một số tác phẩm khuôn mẫu đóng vai trò nền móng và các thể loại văn chương mà những tác phẩm ấy đã tạo nên, sẽ quy gom những thuật ngữ tượng hình đã chi phối trí tưởng tượng trong khoa học cho đến thế kỉ XIX, và sẽ thâu nhập những đề tài suy niệm quan trọng của thời cổ: xuất phát từ sự đương đầu với cái chết đi đến mưu cầu triết lý và thao luyện bản thân, đồng thời là các quan niệm về giá trị của thời khắc [hiện tại].
Triết học và đời sống, xưa và nay
Cuối cùng, Pierre Hadot cho rằng bài nói của mình là một “diễn văn khoa trương” như thời Libanius, tức không nhằm giảng huấn triết học, mà để “phô bày ra giữa ban ngày ban mặt thành quả do những công sức lâu dài mình đã đeo đuổi một cách riêng tư”. Một lần nữa, ông khẳng định thời đại của ông [và của chúng ta] vẫn đang sống giữa lòng truyền thống La-Hi, và những ưu tư của triết học thời cổ chưa hề lỗi thời mà trái lại, vẫn luôn sinh động. Ông cũng nhấn mạnh rằng những ưu tư triết học có thể bị coi như xa lạ và có chiều kích đào thoát khỏi đời sống ấy hoàn toàn có thể dung hợp với những ý thức mà chúng ta phải có về những đau đớn và thống khổ của loài người – bằng cách trích đoạn văn duyên dáng của Georges Friedmann năm 1942:
“…Mỗi ngày một “bài thao luyện tinh thần” một mình hoặc cùng với một người khác cùng chung chia ước muốn kiện toàn bản thân… Con số những người để cho mình hoàn toàn tan hòa trong môi trường chính trị thiên về đấu tranh và trong việc phải chuẩn bị cho công cuộc cách mạng xã hội phải nói là rất đông. Thế nhưng thật họa hiếm và rất họa hiếm mới tìm ra được những con người vì lo chuẩn bị cho công cuộc cách mạng đã thao thức phải làm cho mình nên xứng đáng với công cuộc ấy”.

Ca tụng triết học thời cổ của Pierre Hadot tuy mang tinh thần và mị lực cuốn hút của những bài hùng biện thời cổ, nhưng có cả tính mạch lạc hệ thống và rõ ràng khúc chiết của một tác phẩm nghiên cứu hiện đại. Cuốn sách thổi bùng nguồn cảm hứng bất tận của triết học nơi những người tìm đến nó, nhưng với tôi, hơn hết, đây chính là tuyên ngôn ca tụng tính đời thường của triết học và xác tín những dự cảm của tôi về nó. Tính đời thường này trước hết nằm ở chiều kích thực hành, tức động lực đầu tiên cũng như cứu cánh sau cùng của tư tưởng chính là để thao luyện bản thân, đạt tới trạng thái minh triết toàn vẹn nhất cũng bao gồm thích nghi uyển chuyển nhất với những giới hạn của con người.
Chính hai khía cạnh này trong tính đời thường của triết học đã vẫy gọi tôi – không dừng lại ở si mê, mà phải bước vào trong. Cùng với một tâm hồn nhạy cảm và bao dung, suy tư triết học và truy cùng lịch sử tư tưởng sẽ giúp ta bóc tách những lớp tầng kiến tạo của chính trị – xã hội và phủi bỏ lớp bụi của đời thường để tìm về cội nguồn. Ẩn sâu bên dưới mọi mâu thuẫn, xung đột và bất tương thích là cội nguồn cháy bỏng những nhu cầu và khao khát sống mãnh liệt nhất, nơi mọi chúng ta có thể gặp được nhau, và gieo nơi đó những hạt mầm tốt lành của chân thật và hướng thiên.