Phê bình nghệ thuật đã thay đổi ra sao trong thời đại kỹ thuật số?
Thông qua các blog, trang web và phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng có nhiều bài viết hơn bao giờ hết về nghệ thuật. Nhưng liệu chúng có bổ sung thêm những hiểu biết có ý nghĩa, hay chỉ là tiếng ồn? Đây là một vấn đề cần tranh luận.
Giống như nhiều cư dân trong thế giới nghệ thuật, Niru Ratnam – một nhà trưng bày nghệ thuật ở London và cựu phê bình gia, một blogger sâu cay và giám đốc hội chợ nghệ thuật – đã từng khám phá những tác phẩm nghệ thuật mới trên các tạp chí. Tờ đầu tiên anh mua là số phát hành năm 1994 của Frieze, tạp chí nghệ thuật do Matthew Slotover, Amanda Sharp và Tom Gidley ra mắt vào năm 1991. Khi được yêu cầu trả lời câu hỏi của chúng tôi về những thay đổi trong phê bình và phương tiện truyền thông nghệ thuật kể từ khi The Art Newspaper ra mắt 30 năm trước, Ratnam nhắc lại về số tạp chí đó. Bên trong, một bài báo khám phá những nghệ thuật mới ra mắt trên một thứ mới được gọi là internet. Ở đó, Ratnam tìm thấy những dòng này: “Theo tỷ lệ, có rất ít người quan tâm đến nghệ thuật đương đại; ít hơn trong số này có máy tính, ít hơn nữa có modem và kết nối internet. Ở Anh, bạn có thể gặp người trong cả hai nhóm này nếu bạn lượn lờ ở [Soho café] Bar Italia đủ lâu.”
Như Ratnam đã nói: “mọi thứ đã thay đổi một chút”. Hiệu ứng của internet rõ ràng là một cơn địa chấn; không chỉ The Art Newspaper, Frieze và tất cả các tạp chí còn sót lại khác từ 30 năm trước đều có hiện diện trực tuyến đáng kể, bên cạnh một loạt các trang web nghệ thuật chỉ có bản trực tuyến — đặc biệt là Hyperallergic và Artnet — đã trở nên nổi tiếng. Trong số các nhà văn và biên tập viên đã chứng kiến sự thay đổi này, quan điểm về tác động của nó khá trái ngược. Randy Kennedy, một cựu người viết nghệ thuật của New York Times, hiện là giám đốc các dự án đặc biệt tại Hauser & Wirth, nói rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số đã dẫn đến “ít tiếng nói có thẩm quyền hơn về nghệ thuật nói chung và đặc biệt là về nghệ thuật thị giác”, như nhiều phóng viên và nhà phê bình nghệ thuật đã biến mất trên báo chí quốc gia và khu vực. Anh nói, điều này đã dẫn đến “cảm giác trống rỗng trong những diễn ngôn giúp giữ sự sống động về mặt trí tuệ cho thế giới nghệ thuật và giúp nó kết nối với thế giới rộng lớn hơn”.
Jennifer Higgie, tổng biên tập tại Frieze và là người dẫn chương trình của podcast Bow Down, cho rằng hiệu ứng “biến đổi” của internet là “mặt tích cực chính – xét về cách các bài phê bình nghệ thuật được xuất bản và phổ biến”. Cô nói: “Điều tốt nhất đã xảy ra là sự thừa nhận rằng một sự đa dạng cân bằng và có tính đại diện cho cả những người viết được có bài và nghệ sĩ được xuất hiện trên trang bìa là cần thiết nếu một tạp chí muốn được coi trọng. Ý tưởng rằng lịch sử nghệ thuật chỉ đơn giản là câu chuyện của những người đàn ông da trắng phương Tây giờ đây không còn giữ vững được nữa”.
Nhà văn và nhà phê bình Francesca Gavin lập luận rằng, một phần do sự phát triển của Internet, báo chí nghệ thuật “trở nên ít tinh hoa hơn nhiều. Ý tưởng về sự sành sỏi dường như lu mờ và nghệ thuật đương đại trở thành một thứ gì đó co cụm lại hơn là các cuộc đối thoại văn hóa rộng hơn”.
Tiếng nói thì xuất chúng, nền tảng lại ít ỏi
Nhưng dân chủ hóa trong sáng tác nghệ thuật đã ở mức độ nào? Trong lĩnh vực thiết kế, Alice Rawsthorn, tác giả của Design as an Attitude (Thiết kế như một Thái độ – ND) lập luận rằng, dựa trên lịch sử thì, “một quá trình phong phú về việc viết và xuất bản thiết kế… hiếm khi tiếp cận được nhiều độc giả hơn”, nhưng internet đã tạo ra một cuộc cách mạng về các diễn ngôn xung quanh lĩnh vực này. “Giống như rất nhiều lĩnh vực khác đã bị xem là quá bí truyền và dùng lí do đó để biện minh cho việc đưa tin thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ngành thiết kế đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự suy giảm và sau đó là nổi lên của vô số trang web, blog và mạng xã hội, chúng đã chất vấn những khía cạnh khác nhau của thiết kế. Các người viết mới đã có cơ hội thể hiện khả năng thiết kế và phát triển tiếng nói phê bình đặc biệt.”
Kennedy gợi ý rằng khó khăn đối với các người viết mới là tìm kiếm nền tảng. “Ngày nay vẫn còn đó những bộ óc cừ khôi và tiếng nói viết tuyệt vời, như bạn có thể thấy ngay cả khi lướt qua Instagram, nhưng ngày càng có ít nền tảng để những người viết đó tìm được lượng khán giả rộng rãi và hỗ trợ bản thân với tư cách là những người viết chuyên nghiệp.”
Nhà văn kiêm phát thanh viên Ben Lewis, một cựu “nhà phê bình nghệ thuật vui nhộn cho [tờ báo London] Evening Standard (Tiêu chuẩn buổi tối – ND)” (tiết lộ đầy đủ: người viết bài này hiện tại là một nhà phê bình vui nhộn cho tờ báo đó) xác định một cuộc khủng hoảng trong giới viết nghệ thuật theo cái cách “các nhà phê bình ngày càng được trả ít hơn”. Về cơ bản, anh đã từ bỏ việc phê bình, vì nghệ thuật đã “trở thành một loại tiền tệ và các nhà phê bình chẳng đáng giá cái gì cả”. Tại sao? “Thứ nhất, ý kiến của một nhà phê bình nghệ thuật ít quan trọng hơn khả năng bán các tác phẩm nghệ thuật với giá cao của Christie’s và Sotheby’s cũng như các phòng tranh hay nhà sưu tập. Thứ hai, vì các nhà phê bình được trả quá ít nên việc hợp tác với họ sẽ dễ dàng hơn nhiều.”
Anh gợi ý rằng những lời phê bình trên trực tuyến là “chỉ là một dòng bất tận… cùng một thứ cũ kỹ”. Và ý tưởng về việc dân chủ hóa trên internet trong việc viết về nghệ thuật là một ảo tưởng, anh nói. “Sức mạnh thực sự nằm ở những nơi khác, với một nhóm nhỏ, gồm các nhà tài phiệt và chủ sở hữu phòng trưng bày blue-chip (blue-chip art: các tác phẩm nghệ thuật được kì vọng sẽ tăng giá trị, khả năng bán lại cao – ND)… Tất cả là một nền kinh tế ganh đua sự chú ý. Sự chú ý kiếm ra tiền, mọi lúc. Internet không phải là vấn đề dân chủ – không còn là nữa.”
Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng những tiếng nói mới đang thoát khỏi biên giới của internet. Ratnam đồng ý rằng “nhiều người đang theo dõi trang nội dung Instagram hơn là chờ đợi bài viết tiếp theo từ một nhà phê bình nghệ thuật nào đó” nhưng nói thêm: “Điều này làm cho việc phê bình nghệ thuật trở nên đa dạng hơn – tôi đã không thể tưởng tượng rằng các người viết của The White Pube sẽ được ủy quyền bởi các tạp chí in truyền thống nhưng tôi nghĩ ngay lúc này chúng có lẽ phù hợp với nhiều độc giả hơn bản thân những tạp chí đó.”
The White Pube được định danh bởi sự cộng tác của các nhà phê bình Gabrielle de la Puente và Zarina Muhammad, những người xuất bản các bài viết bất kính mới mẻ của họ về nghệ thuật và thế giới nghệ thuật trên trang web của mình. Mặc dù công việc của họ đã bắt đầu, khi họ mô tả nó trên trang web của mình cho việc gây quỹ cộng đồng trên Patreon, “cứ như một trò đùa hồi năm 2015 bởi vì chúng tôi ghét cái cách nghệ thuật được viết về (và thực ra là ai sẽ viết về nó)”, họ đã thu được một lượng lớn người theo dõi và được thừa nhận bởi các thể chế: Muhammad là nhà phê bình lưu trú của năm 2020 tại Viện Nghệ thuật Đương đại ở London. Như các tài khoản trên trang web của họ cho thấy, The White Pube đã nhận được hơn 1.500 bảng Anh thông qua Patreon vào tháng 7 năm 2020 và tung ra thành công một dòng hàng hóa, có nhãn hiệu “phê bình”. Mặc dù chưa phải là một công việc kinh doanh bùng nổ (cả hai đều có những công việc khác), nhưng mô hình White Pube vẫn độc lập hết mức có thể. Francesca Gavin dẫn chứng nền tảng biên tập phi lợi nhuận AQNB do Patreon tài trợ có trụ sở tại London và Los Angeles, là một ví dụ khác.
Các diễn đàn cởi mở hơn trong đó báo cáo và phê bình nghệ thuật được thảo luận có thể tác động theo nhiều chiều hướng. Kennedy hoan nghênh sức mạnh của Internet trong việc cung cấp “những cách mới để độc giả (và nghệ sĩ) trao đổi lại với các nhà phê bình, để giải thích, biện hộ, phàn nàn, làm phức tạp bức tranh”. Nhưng Higgie dè bỉu mặt trái: “sự dễ dàng mà một nhà phê bình có thể bị tấn công hoặc bị giễu cợt vì ý kiến của anh ta. Sự kết hợp lành mạnh giữa tranh biện và bất đồng nên được phép phát triển mà không bị kiểm duyệt. ” Gavin cho rằng bầu không khí trực tuyến hỗn loạn có thể gây ảnh hưởng, thậm chí gây ức chế cho người viết. “Phương tiện truyền thông xã hội và tốc độ mà các người viết bị chỉ trích chắc chắn đang ảnh hưởng đến những gì mọi người muốn nói trong một diễn đàn công cộng.”
Tất cả những điều này ảnh hưởng đến các ấn phẩm in như thế nào? Kennedy, người trong vai trò biên tập viên điều hành tạp chí Ursula của phòng trưng bày Hauser & Wirth, nói: “Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mở ra con đường cho các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật trở thành nhà xuất bản của riêng họ theo những cách trước đây chưa từng có, với khả năng để kết nối tức thì với lượng lớn khán giả.” Ông nói thêm rằng “vẫn còn quá sớm để biết truyền thông truyền thống và các nhà tự xuất bản nghệ thuật sẽ cùng tồn tại như thế nào và ảnh hưởng của chúng đối với tính độc lập của biên tập viên ra làm sao”. Nhưng Ratnam lập luận rằng chính sự “xói mòn trong ý tưởng về thẩm quyền phê bình của các tạp chí nghệ thuật” đã “để ngỏ cánh cửa cho thị trường hoạt động thông qua việc biến tướng các hình thức cũ của những đơn vị có thẩm quyền phê bình” với các ấn phẩm như Ursula hoặc Gagosian Quarterly.
Trong khi đó, Slotover cho rằng báo in vẫn duy trì được uy tín của mình. Anh nói, “có một rào cản đối với việc gia nhập báo in, nghĩa là bạn không thể cứ thế xuất bản bất cứ thứ gì, và điều đó tạo ra giá trị khắt khe hơn được hình dung cho ngôn ngữ báo in. Được xuất hiện trong các ấn phẩm nghệ thuật cũng giống như xuất hiện trong tiểu thuyết — phần đông [mọi người] dường như vẫn ưa thích hơn.” Kennedy nói rằng ông vẫn là một “tín đồ của in ấn” và tin rằng giấy và mực in có thể tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là trong thế giới nghệ thuật, “điều này cho chúng ta thấy giá trị độc đáo, không thể thay thế, đôi khi là kỳ lạ sâu sắc của đối tượng vật lý trong một thế giới ngày càng ảo”.
Nhữ Giao dịch
Nguồn: Ben Luke với báo cáo bổ sung của Gareth Harris, The Art Newspaper at 30: how has art criticism changed in the digital age?, đăng trên The Art Newspaper ngày 30 tháng 10 năm 2020