Sự kiện đương đại

“Xem đêm Càng đêm”: Ranh giới nghệ thuật của một trưng bày ánh sáng

“Xem đêm, càng đêm” diễn ra tại không gian triển lãm của Manzi, số 2 ngõ Hàng Bún, từ ngày 05/07 đến ngày 09/08/2020. Triển lãm bao gồm hai phần nối tiếp nhau theo thời gian là “Xem đêm” và “Càng đêm”.

Ánh sáng và bóng tối

Được đề từ chính thức trong thông cáo báo chí như “một trưng bày ánh sáng” (hay đúng hơn là một sắp đặt các công cụ chiếu sáng được nghiên cứu và tạo tác theo ý tưởng riêng của các nghệ sĩ), đồng thời “tên cúng cơm” của triển lãm lại phơi bày dự định tôn vinh màn đêm: “Xem đêm, Càng đêm”. Chừng đó cũng đủ thấy trước dụng ý sắp đặt nhằm tạo ra một tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Và có thể nói triển lãm đã làm tốt ý tưởng này.

Xem đêm Càng đêm 1
Xem đêm Càng đêm 2
Xem đêm Càng đêm 3
Các cụm trong chương một “Xem Đêm”

Không gian triển lãm hoàn toàn tối, chỉ có ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn tạo ra ấn tượng về thị giác khá rõ rệt. Người xem có thể dễ dàng liên tưởng tới bầu không khí của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với thứ ánh sáng mờ ảo của những cây đèn dầu và với sự phân bố không gian triển lãm gợi lại kí ức về những con đường hẹp trong làng, những góc quanh kín đáo nơi sau nhà, cùng rơm rạ thóc lúa trải đầy sân. Tôi đặc biệt thích cụm không gian ngay gần cửa ra vào triển lãm trong chương một, với những chiếc đèn bằng giấy dó dạng thuôn dài được treo lủng lẳng chung đụng với nhau như giàn bầu ngang tầm mắt người xem. Thứ ánh sáng vàng mong manh dễ dàng đung đưa tạo hiệu ứng lập lòe như những con đom đóm đòi hỏi một cách tiếp cận khẽ khàng, yên ắng từ đầu.

Xem đêm Càng đêm 4
Chương một “Xem Đêm”

Phần hai của triển lãm một lần nữa thể hiện sự thống nhất giữa tên gọi và thể hiện của nó. Đi từ Xem đêm tới Càng đêm là đi sâu hơn nữa vào đêm, mật độ của bóng tối trở nên dày đặc hơn. Không gian triển lãm được chia thành các cụm khác nhau (khoảng 05 cụm ở mỗi phần của triển lãm), được ngăn cách với nhau bởi các tấm màn vải xô thưa tối màu tạo ra các không gian nhỏ hẹp, gợi cảm giác riêng tư.Trong sự im lặng và cảm giác riêng tư trầm mặc, ánh sáng và bóng tối tôn nịnh nhau lên chứ không hề xung đột nhau.

Đèn chất liệu vải nhuộm chàm trong chương hai “Càng Đêm”

Hình khối, chất liệu, sự biến chuyển

Triển lãm là sự cộng tác giữa nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương (hay còn gọi là Phương Giò) và kiến trúc sư Nguyễn Hà. Sự tìm tòi của đội ngũ có thể nhìn thấy được qua hình khối và đặc biệt là chất liệu của các vật phẩm trong triển lãm. Theo chia sẻ với truyền thông, toàn bộ triển lãm bao gồm 150 tác phẩm đèn được tạo hình theo phom dáng những vật dụng bình dị trong đời sống nông thôn Việt Nam như giỏ tre, làn, lưỡi rìu, đầu rau, đá lửa, và đồ tế lễ vùng núi Tây Bắc như thẻ tre, triện, mõ cá… Các chất liệu thì có sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống như giấy dó, vải, tinh mầu chàm, than, gò đồng, nhôm đúc và các chất liệu công nghiệp như composite, thép… Một số cụm sắp đặt được trải cát sỏi nhỏ hoặc thủy tinh vỡ, các hòn bi ve tạo ra hiệu ứng phản sáng trong thị giác lẫn cảm giác chộn rộn trong tương tác xúc giác.

Cát và bi ve được sử dụng trong chương hai “Càng Đêm”

Các lựa chọn nêu trên không phải sự tình cờ mà phải có một quá trình khảo cứu, lọc lựa dựa trên mối quan tâm sẵn có của các nghệ sĩ đối với văn hóa bản địa. Quá trình lao động để đến được thành phẩm cuối cùng chắc hẳn cũng đã trải qua nhiều thử nghiệm để tạo ra hiệu ứng mong muốn, ví dụ như bề mặt của các chiếc đèn vừa phải có độ mỏng và trong phù hợp để tạo ra mức sáng cần thiết khi chiếc đèn bên trong chiếu qua, vừa phải tạo ra sắc độ riêng của ánh sáng mà những sắc độ này phải liên hệ đến dải màu của vùng quê và vùng cao như vàng, nâu, đen, xanh chàm, xanh lục…

Từ Xem đêm đến Càng đêm, các nghệ sĩ cũng tỏ rõ sự biến chuyển trong việc sử dụng chất liệu và hình khối. Đối với Càng đêm, chất liệu truyền thống và thủ công được nhấn mạnh hơn, ví dụ như vải nhuộm chàm với độ đậm nhạt dày mỏng khác nhau, giấy dó với bề mặt không đồng đều tạo ra những vân sáng riêng biệt. Song song với đó là nhiều những hình khối ít phổ biến hơn như hình lưỡi rìu, con cá…, thay vì những chụp đèn biến tấu ít nhiều vẫn quen thuộc như trong chương một. Có lẽ ý đồ ở đây là tạo ra những vật phẩm có tính độc bản cao hơn và một không gian đậm chất nghệ thuật hơn trong chương hai.

Xem đêm Càng đêm 5
Xem đêm Càng đêm 6
Các cụm trong chương hai “Càng Đêm”

Ranh giới giữa nghệ thuật và trưng bày nội thất

“Các tác giả đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là làm sao để cảm nhận được, làm rõ được bóng tối, màn đêm, chứ không phải là showroom bày đèn để bán” – câu trích từ bài viết cho Triển lãm của Kiến trúc sư Phó Đức Tùng xem ra là chân thật và xác đáng. Thử thách của “Xem đêm, Càng đêm” là phải vượt qua mốc một showroom trưng bày đèn. Tôi cho rằng các nghệ sĩ đã làm được điều đó. Ranh giới giữa trưng bày nghệ thuật và trưng bày nội thất trong trường hợp này nằm ở vai diễn chính trong sân khấu sắp đặt. Cảm giác về một không gian tổng thể u hoài, tĩnh mịch của vùng nông thôn xưa là gần như ngay lập tức, và từ đó, trong sự lang thang với bóng đêm người xem mới nảy sinh tò mò để nhìn kĩ hơn và chạm vào những bề mặt thô sần, không đồng nhất nơi những chiếc đèn đã tạo ra ánh sáng le lói để chiếu rọi màn đêm ấy.

Những chiếc đèn chất liệu composite trong chương một

Tất nhiên nếu đặt trên tiêu chí của một triển lãm thuần nghệ thuật sắp đặt thì “Xem đêm, Càng đêm” chưa hẳn làm tôi thỏa mãn, bởi tính đồng dạng và sự lặp lại trong các vật phẩm và cách sắp đặt các cụm. Nhưng điều này cũng là hợp lý bởi những người làm triển lãm không hề lấp liếm đi ranh giới mập mờ giữa nghệ thuật và trưng bày nội thất. Các vật phẩm hay cụm sắp đặt cũng không hề được đặt tên hay có bảng ghi giới thiệu đôi dòng như thường thấy trong các triển lãm nghệ thuật.

Những chiếc đèn giấy dó tương tự chương một được sắp đặt theo cách khác ở chương hai

Không chỉ để lộ ranh giới giữa trưng bày nội thất và nghệ thuật sắp đặt, những người làm triển lãm có vẻ còn muốn nhấn mạnh vào nó khi chia thành hai chương cho thấy sự gia tăng dần về mật độ của bóng tối và cường độ của ấn tượng về không gian tổng thể, những chiếc đèn trong chương hai trông khác biệt và khó có thể được đặt độc lập như một sản phẩm nội thất hơn so với chương một. Dù chưa đủ mới mẻ và kích thích như một triển lãm nghệ thuật sắp đặt nhưng công bằng mà nói đây là “một trưng bày ánh sáng” thông minh, cho thấy bên cạnh các thử nghiệm tỉ mỉ là tư duy mạch lạc của những người làm nghề.


Nhữ Giao viết
Đăng lại từ Hanoi Grapevine ngày 11/08/2020