Egon Schiele – Dục tính thô ráp của chủ nghĩa Biểu hiện
Egon Schiele (1890-1918) là họa sĩ người Áo, một trong những thành viên đầu tiên và nổi bật của chủ nghĩa Biểu hiện, học trò thân cận của Gustav Klimt. Egon Schiele nổi tiếng bởi những bức tranh chân dung có cường độ mạnh mẽ và tính gợi dục thẳng thắn, trong đó bao gồm nhiều tranh khỏa thân và tự họa. Egon để lại hơn 300 tác phẩm trong cuộc đời ngắn ngủi 28 năm của mình, cho thấy một cường độ sống cực kỳ đậm đặc mà xoay quanh đó nổ ra nhiều phản đối và tranh cãi.
Cái tôi khám phá không ngơi nghỉ
Egon sinh năm 1890 tại Tulln, Lower Austria trong một gia đình trung lưu. Cha của ông là trưởng ga của ga Tulln thuộc Đường sắt Quốc gia Áo. Khi còn nhỏ, Egon đã là một đứa trẻ lập dị thích xe lửa chính hiệu. Ông dành nhiều thời gian để vẽ chúng đến mức cha ông cảm thấy phải hủy hết những cuốn sách phác thảo của ông. Khi 11 tuổi, Egon chuyển đến thành phố Krems gần đó (và sau đó là Klosterneuburg) để học trung học, ở đây Egon tiếp tục khác lạ với xung quanh bởi thân hình gầy mảnh và tính cách nhút nhát, dè dặt của mình. Ông thường ở trong các lớp học gồm các học sinh nhỏ tuổi hơn, và học kém ngoại trừ điền kinh và vẽ.
Khi Egon Schiele 14 tuổi, cha ông qua đời vì bệnh giang mai, và ông chịu sự giám hộ của người chú ruột, cũng là một quan chức ngành đường sắt. Mặc dù muốn Egon nối nghiệp của gia đình, nhưng người chú hiểu rằng Egon không hề quan tâm hay có năng khiếu trong việc học hành. Ông nhận ra tài năng hội họa của Egon và mặc dù không mong muốn, ông quyết định thuê cho Egon một gia sư là nghệ sĩ Ludwig Karl Strauch.
Năm 1906, Egon Schiele 16 tuổi và quyết định đăng ký theo học Trường Nghệ thuật và Thủ công Kunstgewerbeschule của Vienna, nơi Gustav Klimt từng theo học. Nhưng trong năm đầu tiên, các giáo viên quyết định rằng ông phù hợp hơn với Học viện Mỹ thuật Vienna (Akademie der Bildenden Künste) vốn có truyền thống và hàn lâm hơn. Giáo viên chính của ông tại học viện là Christian Griepenkerl, một họa sĩ có có phương pháp nghiêm khắc và cực kỳ bảo thủ. Điều này khiến Egon vô cùng bất mãn.
Mặc dù sớm biểu hiện những thiên hướng khác biệt mang tính nổi loạn, nhưng Egon không hề là một người cô độc hay chống đối xã hội. Năm 1907, Egon Schiele chủ động tìm đến Gustav Klimt và nhận được sự cổ vũ cũng như cố vấn nhiệt tình từ người tiền bối này. Ông chính là người giới thiệu Egon Schiele đến xưởng thủ công và nghệ thuật Wiener Werkstätte, vốn có liên quan đến phong trào Ly khai. Các tác phẩm đầu tiên của Schiele trong khoảng thời gian từ 1907 đến 1909 chứa đựng những điểm tương đồng mạnh mẽ với phong cách của Klimt, cũng như những ảnh hưởng từ phong trào Art Nouveau.
Nhờ đó mà chàng trai trẻ Egon Schiele có cuộc triển lãm đầu tiên tại Klosterneuburg vào năm 1908. Trong năm sau đó, Schiele rời Học viện khi hoàn thành năm thứ ba, và thành lập Nhóm Nghệ thuật Mới (Neukunstgruppe) cùng với những sinh viên bất mãn khác như Oskar Kokoschka và Max Oppenheimer, họ cùng nhau tổ chức nhiều cuộc triển lãm. Trong những năm đầu sự nghiệp của mình, Egon Schiele bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Klimt và Kokoschka. Nhưng rất nhanh sau đó, từ khoảng năm 1909, ông đã sớm phát triển phong cách đặc biệt của riêng mình. Có thể nói tinh thần của Egon không chủ ý đả phá hay nổi loạn, ông đơn giản là luôn khao khát khám phá những chân trời mới: “Tôi phải thấy những thứ mới và xem xét nó. Tôi muốn thử vùng nước tối, nhìn những cành cây gãy và cơn gió bạo tàn”.
Xu hướng tính dục phức tạp
Từ khi còn nhỏ, Egon Schiele đã thể hiện những xu hướng tình dục bất thường, đó là xu hướng loạn luân với em gái của mình là Gerti. Cha ông biết rõ về hành vi của Egon và đã từng buộc phải phá cửa một căn phòng đang khóa để xem Egon và Gerti đang làm gì trong đó, rất may là họ chỉ đang viết một bộ phim. Khi Egon 16 tuổi, anh đưa cô bé Gerti 12 tuổi đi tàu hỏa đến Trieste mà không xin phép và qua đêm trong một phòng đôi khách sạn cùng cô. Gerti cũng là người mẫu cho một số bức tranh của Egon.
Có thể thấy ở đây một xu hướng tính dục gắn liền với sự thân mật, cùng với phức cảm Lolita liên quan đến trẻ thơ và quá trình khám phá tính dục của tuổi dậy thì. Điều này thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của Egon Schiele sau này, với hầu hết các nhân vật nếu không phải trẻ em thì cũng gầy gò, mảnh mai. Egon ưa thích người mẫu của mình phải có dáng điệu mong manh như vậy. Và các bức tranh cho dù khỏa thân hay khêu gợi thì tựa hồ như dáng vẻ của một đứa trẻ đang trình hiện cơ thể một cách tự nhiên, không ngần ngại, không dụng ý.
Schiele quả thật có một tình yêu lớn đối với phụ nữ. Tuổi thơ của ông gắn liền với mẹ và em gái, và sau này ông cũng có mối quan hệ mật thiết với giới nữ. Egon từng tuyên bố từng có tới 180 phụ nữ đi qua studio của mình chỉ trong 8 tháng. Sau khi thoát khỏi các quy ước của Học viện, Schiele bắt đầu khám phá không chỉ hình dạng con người, mà còn cả tính dục của con người. Công việc của Schiele vốn đã rất táo bạo, nhưng giờ đây đã tiến thêm một bước nữa với kĩ thuật bóp méo nhân vật, bao gồm kéo dài, vặn xoắn, dị dạng và hở hang, thể hiện mạnh mẽ và trần trụi hơn về tính dục. Những bức chân dung tự họa của Schiele dường như mang tính lưỡng tính (unisex), cân bằng cả sự góc cạnh thô ráp, ngạo nghễ của tính nam và sự nhạy cảm, mong manh của tính nữ, được thể hiện bằng một mức độ trung thực không khoan nhượng về cảm xúc và hiện hữu thay cho những lý tưởng thông thường về cái đẹp.
Năm 1910, Egon bắt đầu thử nghiệm với những bức ảnh khoả thân và trong vòng một năm, một phong cách dứt khoát bao gồm những nhân vật hốc hác, mang màu sắc ốm yếu, với đường nét ngoằn nghèo và biểu cảm nặng nề, thường mang âm hưởng tình dục mạnh mẽ. Những tác phẩm độc đáo này thách thức mạnh mẽ các quy chuẩn của nghệ thuật truyền thống và gây ra nhiều phản ứng tiêu cực. Nhưng bản thân Egon có chuẩn mực rõ ràng của riêng mình trong quá trình thực hành những thử nghiệm này: “Những tác phẩm gợi dục cũng thiêng liêng lắm chứ.”
Cuộc dạo chơi khám phá tính dục con người của Egon đi đến bước ngoặt vào năm 1911. Lúc này Egon Schiele gặp cô gái 17 tuổi Walburga Neuzil hay tên thân mật là Wally – người trở thành nàng thơ của ông nhiều năm về sau. Cô này trước đây cũng từng là người mẫu cho Gustav Klimt và có tin đồn là một trong những tình nhân của Klimt. Nhưng sau khi gặp Egon, giữa hai người hình thành một gắn kết sâu đậm và Wally chuyển đến sống cùng ông ở Vienna, làm người mẫu cho nhiều bức tranh của ông.
Xung đột với xã hội thủ cựu
Egon và Wally sau đó muốn thoát khỏi bầu không khí quân sự ngột ngạt ở Vienna, và chuyển đến thị trấn nhỏ Krumau ở miền nam Bohemia. Mặc dù đây là nơi sinh của mẹ Schiele nhưng cặp đôi bị người dân đuổi ra khỏi thị trấn bởi tư tưởng bảo thủ gay gắt ở các làng quê, họ cực lực phản đối lối sống và nghệ thuật của Egon.
Cặp đôi đành cùng nhau chuyển đến Neulengbach, cách Vienna 35 km về phía tây, chọn cho mình một một studio rẻ tiền và môi trường xung quanh nhiều cảm hứng để làm việc. Ngay tại thủ đô, studio của Egon đã trở thành nơi tụ tập của những đứa trẻ côn đồ ở Neulengbach và Egon đã thực hiện nhiều bức tranh có tính khêu gợi mà người mẫu là trẻ em. Cách sống của Schiele đã làm dấy lên nhiều thù ghét nơi cư dân thị trấn. Điều này dẫn đến sự kiện quan trọng năm 1912: Egon bị cáo buộc dụ dỗ một cô bé vị thành niên 13 tuổi và bị bắt giam trong lúc chờ phán quyết. Khi cảnh sát đến studio để bắt Egon, họ đã thu giữ hơn một trăm bức vẽ mà họ cho là khiêu dâm. Khi vụ án của ông được đưa ra xét xử, tội danh dụ dỗ và bắt cóc đã được bãi bỏ, nhưng người nghệ sĩ bị kết tội trưng bày các bức vẽ khiêu dâm ở một nơi mà trẻ em có thể tiếp cận được. Tại tòa, thẩm phán đã đốt một trong những bức vẽ vi phạm trên ngọn lửa nến để răn đe. Egon đã ở trong tù tổng cộng 24 ngày và trong thời gian đó, ông tạo ra một loạt 12 bức tranh mô tả những khó khăn khi bị nhốt trong phòng giam.
Egon khẳng định: “Không tác phẩm gợi dục nào là dơ bẩn nếu nó có giá trị về mặt nghệ thuật. Nó chỉ có thể trở nên dơ bẩn trong mắt người xem khi bản thân người đó dơ bẩn.” Với tinh thần ấy, Egon cũng không ngần ngại đụng chạm đến những vấn đề cấm kị như tôn giáo. Bức tranh nổi tiếng Cardinal and Nun (1912) của ông mô tả một vị hồng y và một nữ tu trong tư thế thân mật, mang nội dung vi phạm các quy tắc đạo đức của giáo hội đến mức như khiêu khích. Ngoài bố cục tương tự bức The Kiss (1907-08) nổi tiếng hàng đầu của Gustav Klimt thì phần còn lại của bức tranh hoàn toàn khác biệt. Đây là minh chứng cho sự thôi thúc mãnh liệt của Egon Schiele trong việc đổi mới, không chỉ về hình thức, phong cách mà còn vượt ra ngoài các chủ đề chính thống của nghệ thuật. Không bất ngờ khi bức tranh vấp phải những sự lên án khủng khiếp, không chỉ ở xã hội thủ cựu ngày đó mà cho đến tận hôm nay.
Sự xung đột với xã hội thủ cựu không chỉ diễn ra ở ngoại cảnh mà còn trong chính thâm tâm Egon. Năm 1915, Schiele chọn kết hôn với Edith Harms, cuộc hôn nhân sẽ được xã hội chấp nhận nhiều hơn, có lẽ vì muốn được yên ổn hơn để sáng tác. Ông mong muốn vẫn duy trì mối quan hệ với Wally nhưng khi nghe tin, Wally đã rời khỏi ông ngay lập tức, không bao giờ gặp lại. Dẫu đây là sự lựa chọn có suy ngẫm của bản thân Egon, cuộc chia tay này vẫn khiến Egon đau đớn. Ông đã vẽ bức Death and the Maiden (1915) chính vào thời điểm này.
Phức cảm về cái chết và tái sinh
Bất chấp sự phản đối của gia đình Harms, Egon và Edith đã kết hôn vào 1915, đúng kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ Egon. Thế chiến thứ nhất lúc này định hình lại cuộc sống của hai vợ chồng. Egon sau thời gian trốn tránh cuối cùng cũng buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng cách chuyển đến sống trong một phòng triển lãm ở Prague cùng với những người lính khác, còn Edith thì ở một phòng khách sạn và thi thoảng được cho phép gặp chồng.
Có thể nói giai đoạn này cuộc sống của Egon Schiele hoàn toàn thay đổi. Phần vì chiến tranh, phần vì đời sống gia đình. Với tầm nhìn được mở rộng, các bức tranh của Schiele trở nên lớn hơn và chi tiết hơn, đồng thời ngày càng phức tạp và có câu chuyện rõ ràng, vượt ra khỏi sự khám phá và biểu lộ tính dục đơn thuần. Các chủ đề sâu sắc như tình mẫu tử, gia đình, cái chết và sự tái sinh bắt đầu xuất hiện. Nhiều bức tranh về khung cảnh các thành phố ảm đạm và có phần ám ảnh trong chiến tranh ra đời. Phong cách của cũng dần trở nên tự nhiên hơn, có lẽ phản ánh sự gắn kết và dịu dàng đối với người vợ của mình.
Nhiều người từng cho rằng Egon nổi tiếng chỉ với các bức vẽ khỏa thân và gợi dục, thì Egon – hơn một câu trả lời, đã cho ra những bức tranh gây cảm xúc mạnh mẽ mà không cần chạm đến tính dục. Có lẽ cái Egon muốn khám phá thực ra là cảm xúc của con người – mà dục tính chỉ là một trong những phương tiện để những cảm xúc ấy được bộc lộ ra dữ dội và trần trụi nhất. Tình yêu cháy bỏng thường trực nơi Egon là tình yêu đối với sự sống và con người: “Tôi yêu tất cả mọi thứ – tôi muốn nhìn những người đang tức giận bằng tình yêu cho đến khi đôi mắt họ bị buộc phải hồi đáp, và tôi muốn đem đến món quà cho những ai đang ganh tị, nói với họ rằng tôi nào có giá trị gì đâu.”
Tình yêu trong Egon bởi vậy chẳng bao giờ có giới hạn. Khi mới kết hôn, Edith là hình mẫu cho hầu hết các nhân vật nữ trong tranh Egon. Nhưng sau đó, khi hình dạng cơ thể của Edith thay đổi, không còn gầy và mỏng manh như Egon ưa thích, ông bắt đầu nhờ em gái của Edith là Adéle làm mẫu cho. Adéle sau đó tuyên bố rằng mối quan hệ của cô với Schiele không trong sáng như đáng lẽ phải vậy. Kể từ năm 1915, các ảnh khỏa thân nữ của Schiele trở nên đầy đặn hơn về hình dáng, nhưng thường được cố tình minh họa với vẻ ngoài như một con búp bê vô hồn.
Dù đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, Egon Schiele vẫn tham gia triển lãm ở Berlin. Ông cũng đã có những buổi trưng bày thành công ở Zürich, Prague và Dresden. Vì thể trạng yếu ớt và tài hoa của mình, Schiele cuối cùng được nhận vào làm nhân viên văn thư trong một trại tù binh gần thị trấn Mühling. Tại đây, ông được phép vẽ các sĩ quan Nga bị cầm tù và vị chỉ huy thậm chí còn cho ông sử dụng một phòng lưu trữ cũ để làm xưởng vẽ.
Đến năm 1917, ông trở lại Vienna và có thể tập trung vào nghệ thuật của mình. Đây là giai đoạn phản ánh sự trưởng thành của một nghệ sĩ với sự sung mãn cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm. Ông được mời tham gia triển lãm lần thứ 49 của phong trào Ly khai, được tổ chức tại Vienna năm 1918. Schiele có năm mươi tác phẩm được chấp nhận cho triển lãm này, và chúng được trưng bày trong sảnh chính. Egon cũng thiết kế một áp phích cho triển lãm, gợi nhắc đến tác phẩm The last supper (1495–1498) của Leonardo Da Vinci, với một bức chân dung của chính mình ở vị trí của Chúa Kitô. Buổi biểu diễn đã thành công tốt đẹp. Do đó, giá các tác phẩm của Egon Schiele tăng lên và ông nhận được nhiều khoản tài trợ vẽ chân dung.
Cho đến mùa thu năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha lúc này đã lan đến Vienna. Vào ngày vào ngày 28 tháng 10, dịch bệnh dữ dằn đã lấy đi tính mạng của Edith lúc này đang mang thai 6 tháng. Schiele qua đời chỉ ba ngày sau vợ, vẫn miệt mài phác thảo vợ mình trong những ngày liệt giường và dang dở hình dung về một gia đình trọn vẹn.
Đặc điểm về hình thức nghệ thuật
Điều đầu tiên có thể nhận thấy trong hầu hết tranh của Egon là sự sắc nét. Các tư thế con người bị bóp méo theo các hình khối góc cạnh, những đường cong đôi khi trở thành gấp khúc với những đường cọ sắc nét. Khá thú vị khi liên tưởng đến niềm đam mê ngày nhỏ của Egon là xe lửa. Đường nét trong các bức tranh của ông, đặc biệt là tranh phong cảnh có thể nhìn như sự sắp xếp những ga tàu đầy màu sắc vậy.
Điều tiếp theo đó là sự mạnh bạo. Các nhân vật trong tranh được tô vẽ bằng những sắc màu đậm đặc, cho dù mang sắc thái rực cháy hay ốm yếu. Sự tương phản giữa chủ thể và màu nền bởi vậy trở nên rõ ràng. Biểu cảm của các nhân vật cũng thường là trực diện, kể cả khi đó là sự vô hồn, thất thần, hay kiêu kì, ngạo nghễ, hoặc riêng tư, vô ý.
Và cuối cùng, đó là sự mong manh. Dẫu các nhân vật có tư thế ngạo nghễ hay biểu cảm mạnh mẽ đến đâu, sâu thẳm trong đó là sự mong manh về cảm xúc, là con người với tất cả những đau khổ, kiêu hãnh, yếu đuối, mơ hồ… như nỗi mong manh của bản thân sự tồn tại. Egon chẳng bao giờ ngại ngần lột tả những góc khuất ấy, đem nó ra trước ánh sáng – trần trụi, trực diện, không bi lụy, cũng không ai oán. Chỉ đơn giản là nhìn thấy và chấp nhận tất cả vào trong sự hiện hữu bao la vượt trên cả tình yêu, chia ly và cái chết.
Egon Schiele bắt đầu định hình được phong cách cá nhân của riêng mình từ năm 1909, và ông chỉ có khoảng 10 năm sau đó để cho ra đời các tác phẩm đặc trưng của mình. Hơn 300 tác phẩm độc đáo đã ra đời với những biến chuyển nội tâm biểu hiện trong từng đường nét. Đây là di sản còn lại đại diện cho một cuộc đời chan chứa tình yêu và đam mê mãnh liệt, gói ghém trong một dáng hình gầy gò và sự sống ngắn ngủi. Egon đã nói: “Nghệ thuật chẳng bao giờ mang tính hiện đại. Nó căn bản là vĩnh hằng”. Thượng Đế cho Egon một sự sống mỏng manh như vậy, có lẽ để những nghệ thuật của ông trở nên đậm đặc, cháy bỏng và khẩn thiết đến mức vượt lên những rào chắn thông thường của cuộc đời.