Thơ, Tản bút

Bí tích Khai tâm 3: Nghi lễ Thánh thể

[Thánh thể 1]: Một đoạn Tin mừng

Tôi đưa em về qua những triền mưa sạch bóng người, đội lên đầu em vòng nguyệt quế của khải hoàn không tiếng khóc than. Bóng tối phủ lên vai chúng ta tấm áo choàng của huy hoàng nơi quang phổ đã tuyệt diệt, nói với chúng ta bằng thứ ngôn ngữ của im lặng chỉ những kẻ đã đau sâu cùng mới lĩnh thấu. Em nhắm nghiền trong vầng hào quang của những màu câm, sau hai mươi ba cửa ải. Tôi ngửi em sạch tinh mùi đất lốp đốp mưa và những cọng cây xanh lúi nhúi nhún nhảy để rũ sạch sự vồ vập của ban ngày.

Chúng ta đã nhiều năm không tham gia vào những cuộc hội thoại nực cười, nơi người ta đi tìm nhau bởi cách gán cho nhau những nhãn sẵn dùng và bởi vậy chẳng thể nào tìm thấy. Và không lâu sau đó chúng ta từ chối những cuộc vui, của những kẻ đi tìm vui để quên đi nỗi sầu muộn thẳm sâu của chính mình và bởi vậy càng đày ải tâm hồn vào hố cùng của giả dối. Và chúng ta sau rốt từ chối lễ đàn hướng sáng của tập đoàn những kẻ sẵn sàng tra tấn sự chân thật để mưu cầu thứ gì đó ngoài thân. Ta còn lạ lùng gì, những kẻ ngu muội không biết hơn nửa cuộc đời phải là đớn đau và chúng chà đạp lên sứ giả của bóng tối mà không biết chính họ thêu dệt cho tồn tại hoàn vũ một không gian để sinh sôi và va đập thành những câu chuyện muôn đời được nhớ. Ta thủ thỉ với nhau, ánh sáng chỉ nở ra cho những người không bao giờ chạy trốn bóng đêm.

Phải không em, em tôi bé nhỏ. Em đã nhắm nghiền và lặng im từ ấy, nhưng ta đã về với quê hương nơi em sẽ được đặt trong vuông mộ hằng ao ước. Đã qua chín mươi ba bận hoa nở, nhưng xanh cỏ thì chưa bao giờ tàn.

Em ơi tháng sáu mới là giữa mùa hè và lần này chúng ta sẽ làm cho đúng. Mặt trời sẽ thiêu đốt như một hoả táng linh thiêng. Em sẽ ngấm vào đất và hoá thành một cái cây linh điệp. Không cần kèn trống bởi vì lần đầu tiên sau những năm hành hương thinh lặng của chúng ta tôi sẽ hát, bài ca nhập đất của những kẻ chân thật. Sự chân thật đi trước thiện lương và trước đôi với diệu mỹ. Tôi sẽ nâng em lên trong sự khiết tỉnh vượt ngoài những mỹ học rẻ tiền. Hai mươi tư, cửa ải cuối cùng dành cho người sẵn sàng chịu đựng vòng lặp của địa ngục để gánh lấy sự thật trong ý niệm tuyệt đối. Bằng chữ của lời và khoảng cách bị kéo giãn ra giữa những nốt lặng đen, tôi đưa em về với Ngôi Lời của chúa.

01.06.20

nghi lễ thánh thể 1
Caspar David Friedrich, The cemetery entrance (1825). Nguồn: Wikimedia Commons 

[Thánh thể 2] Ngôn sứ

Một thiên thần đập cánh trong vẻ diễm lệ và sự trắng trong đến bên ngươi, trong khu vườn thứ hai của sa ngã. Quỳ xuống trước thần, ngươi bật tuôn nước mắt. “Ngươi xem – chẳng gì đẹp hơn sự cúi đầu”.

Ngươi có thể bất lực trước sự thật của thế gian, nhưng luôn nguyên vẹn trong sự thật của chính mình. Trong đền đài nơi góc sâu và tối nhất của ngươi, sự thật ấy tại vị như một ảnh tượng không cần hình hài và không biết đổ máu. Sự tuân phục là tất cả những đòi hỏi dành cho kẻ đã biết mở mắt và ảnh tượng sẽ phát sáng những tia thông thiên chói lọi.

Những đứa con của tình yêu nhận được gì khi đến với thế giới này: một giọt sương của bông hoa màu tím nơi các vị thần rừng. Đó là điều người chẳng bao giờ được chọn, và khi sương hoa đã rỏ ngươi sẽ như kẻ cuồng si bùng lên một Giấc mộng đêm hè đeo đẳng cho đến hơi thở cuối cùng với kẻ đầu tiên gieo vào ngươi một ánh mắt. Chính trong ánh mắt ấy ngươi chẳng bao giờ dối trá được khao khát mãnh liệt nhất của mình. Tình yêu là một món quà và cũng là bản án. Trong cường độ và trường từ tính của nó những xúc cảm bị kéo căng và bật tung lên. Nhịp đập nặng nhọc và khiêu khích trở thành nguồn cơn tử thương của ngươi, nhưng chỉ trong nó ngươi mới trở nên bất diệt.

Ngươi đã nghe thấy chưa, khúc soprano hướng thiên trong lễ cầu siêu(*) cho những khao khát cần nhìn tỏ và tuân phục nhưng vĩnh viễn không được phép khẩn ước và khuôn ép. Nỗi tha thiết không bao giờ chết nhưng kể từ đó được tự do. Đó trở thành đôi cánh của ngươi, đập cùng nhịp với trái tim đã được giải thoát. Kẻ đã biết cúi đầu và phóng thích sự thật của chính mình sẽ được cứu chuộc khỏi những nỗi kinh sợ một lần cho mãi mãi.

(*) Mozart, Requiem in D minor

02.06.20

bí tích thánh thể
Caravaggio, Saint Francis of Assisi in Ecstasy (1595)

Qua một giếng trời tròn xoe bằng tấm kính màu vàng nhạt điểm những hình lục giác lục sắc, ánh sáng của thiên đường xuyên qua đậu mình trên nền đá hoa cương thẫm những cánh hoa hoạ tiết của trung tâm. Vị nữ tu già ngước nhìn lên bằng đôi mắt đã đục dần qua từng buổi chiều thao thức của cuộc đời bà. Dây vĩ trong ánh mắt bà xiết dài những nốt trầm trong bản tình ca của lòng tôn kính(*). Nhưng không một lời đáp cho những đêm khuya được trở yên.

Đã thêm sáu tiếng chuông ngân vang và bà vẫn đứng một hồi lâu. Bà đã quên âm thanh của những niềm vui. Bà cũng không còn hình dung nổi dáng điệu của sự dung tục. Thế gian nhảm nhí và cợt nhả vẻ như thuộc về một vũ trụ khác. Thượng đế của bà không bao giờ bật cười. Và Ngài cũng không thích đối thoại.

Bà đã phụng sự trong im lặng ba phần tư cuộc đời mình. Bởi tất cả những gì Ngài cần có lẽ chỉ là sự im lặng để làm dịu đi những hỗn loạn ngoài xa kia. Một khóm kiệm lời và đứng sáng trong một không gian vuông vức đặt ở một khoảng cách rất loãng đủ để trở nên tàng hình. Thế gian đã có quá nhiều hiện diện và những đua đòi để được trực diện. Cần thêm một vài hư vô.

(*) J. S. Bach, Air on the G String (Suite No. 3, BWV 1068)

04.06.20

Francisco de Goya, St. Theresa of Avila

[Thánh thể 4] Rỗng trong vỏ ngôn từ

Như đã bao lần tôi nói, chẳng gì đẹp hơn sự cúi đầu.

Cúi đầu trước nỗi buồn, cúi đầu trước nỗi tuyệt vọng, cúi đầu trước nỗi bất lực đứng nhìn những nỗi đau tha nhân không thể hoán cải, trước sự cô độc mạn kiếp và cả những nỗi cô đơn chốc lát thoáng qua. Cúi đầu trước cuộc đời chỉ còn là những cú trượt miên tục, chớp mắt là rơi thẳm.

Tồn tại gói gọn trong một xác thân bơ vơ, đơn độc, bất khả nối kết và tri giao. Nhưng cảm xúc thì cứ loang ra không ngừng, đến mức chẳng thể còn bọc gọn chúng trong ngôn ngữ. Nước chảy thấm qua lớp vỏ ngôn từ đi tìm một miền khác, đói khát một chiều không gian của thinh lặng vĩnh hằng.

“Hãy ngắm nhìn chúng đi, cúi đầu ngắm nhìn và thấy chăng, đẹp đến thế?” – tôi nói với chính mình như thế bằng một thứ ngôn ngữ không lời.

Quan sát, lặng lẽ quan sát, đó là điều duy nhất ngươi có thể làm. Để rồi ngươi được phép và có thể thoát ra một tiếng thở than trong đêm vắng. Đêm mang đến cho ngươi món quà sẽ bốc hơi tuyệt diệt trong ánh sáng của ngày hôm sau: cơn xé dọc cạnh đối của xương sống đến tận thẳm cốt của ngươi – nơi không một tự trí trá nào còn hiệu nghiệm.

Không ai có thể theo được cường độ này và mật độ này như ngươi đang làm với chính mình. Sự trung thực đến tận cùng là lối thoát duy nhất cho những kẻ mang bản án của sự cô độc, như lòng duy mỹ là cứu cánh cho những tâm hồn nhạy cảm và cõi hướng thiện là nơi chốn cho kẻ bằng lòng được với lẽ đời thường nhật.

Thở cho ra một tiếng thở than bằng cạn hơi sự thật của chính mình, và nhìn ngắm: sự bất lực của ngôn từ. Nhưng nhìn kĩ hơn đi: trong sự trống rỗng của nó, có thứ gì nở ra. Thứ gì có thể nở ra từ một lời thở than không thể tương thông: nấm mồ nơi nỗi vùng vẫy được yên nghỉ trong – cuối cùng, chiều không gian của thinh lặng. Thương và đau bay lên nhẹ bẫng khi đã đến được đất hứa không trọng lực.

05.08.20

nghi lễ thánh thể 7
Những ngọn đèn giấy dó treo chung đụng lửng lơ chảy dài trong “Càng đêm“, Chương 2 Triển lãm Xem đêm Càng đêm, Manzi Exhibition Space. Khi trời còn sáng, đừng bật đèn. Hãy để những ngọn đèn toàn vẹn thuộc về đêm và dành một khoảng trống rỗng để chúng rộ lên reo rắt giữa đêm.

[Thánh thể 5] Sự tích bọt biển

Hãy buồn đi em. Buồn thêm một ngày, trăm năm, hay buồn thêm cho cả những cuộc đời khác. Gạt tàn thuốc và những dải găng tay màu khói, nhạc rập rình và rèm cửa mờ phủ xa bóng hoàng hôn. Không còn tiếng người, em sẽ nghe được tiếng thoát thai của những bọt lượng tử đang trượt lấp đường viền của vật thể. Quảng tính là ảo giác nơi bán cầu bóng mắt và trương độ tan chảy trong vạch chia của hư vô.

Hãy khóc đi em. Một vài giọt rỉ, thánh thót hay ngây dại, tiếng nấc nghẹn hay lời bặt tăm. Vạt cây đã lá úa và chực trờ chết trong cơn hạn một mùa nắng đúng nghĩa, quả thông đã khép héo chờ một cú trồi lên hào sảng của mặt trời. Đời sẽ đẩy em đi xa thêm một đoạn khỏi điểm đứng yên này, để đóng băng trong một đoạn đứng yên khác – dài hơn nhưng không có tiến triển. Em sẽ nhìn thấy giọt nước mắt của thời gian – chúng cũng là ảo giác tâm lý nở ra từ kích thước và vận tốc của tàn tro một cơn mưa sao băng.

Hãy im lặng thêm một bản cáo trạng nữa. Lễ khai môn cần một hơi chuẩn bị dài và ba tiếng tù và lớn. Im lặng dựng lên vẻ tôn nghiêm và kính tín của một kẻ đã dâng mình cho siêu hình nhưng đang bám vào hỗn độn của xung đột thị giác và chết cứng của đơn độc ngôn từ, để thở được thêm vài chục năm nữa. Như nàng tiên cá nhỏ đã đánh đổi tiếng hát để được bước đi bằng đôi chân trần trên cát vàng bỏng rát, vĩnh viễn cất tiếng khóc câm rên rỉ về nỗi lòng cháy khát.

Bọt biển là từ đây – hãy chết đi em. Chết tâm là giấc mơ sau cú-ngã-của-những-bản-ngã-lớn. Em mang một hình hài không thuộc về mình và không nghe lời mình. Nhưng em luôn có tự do trong tâm tưởng để được chết đi bất cứ khi nào mình đã kiệt quệ. Biến mình thành một ảo giác của chính mình, em rơi vào khoảng giữa trời xanh và đại dương, nơi những bọt biển tự do biến mất trong nỗi lòng của một kẻ khác, tình cờ.

08.08.20

Winslow Homer, Summer Night (1890)

[Thánh thể 6] Kẻ yêu sự thật

Phải lòng yêu sự thật kì thực rồi sẽ dẫn đến những kết cục tuyệt cùng đau đớn. Chẳng phải một lý tưởng hoá đâu, đấy là thực chứng. Hãy nhìn đi – vào lịch sử: số phận của những kẻ yêu sự thật và trung thành nhất với sự thật. Đó là những cảm tử quân ném mình xuống đáy sâu nguy hiểm và dày vò nhất của cuộc đời này. Nếu không bị thủ tiêu, thì hẳn tự hành hình mình trong cơn sống.

Kì thực nữa, đó không phải thứ người ta có thể chọn lựa trong tỉnh thức. Giá trị sống là hạt mầm đã gieo trong chúng ta ngay nhịp tim đầu tiên phập phồng với cuộc đời này. Hạt mầm có thể nảy nở hoặc héo úa, nhưng một cây táo không thể mọc ra quả lê. Một kẻ yêu sự thật không thể chấp nhận điều gì khác ngoài sự thật.

Nó đau, ở đây – đó là lời của sự thật. Nó trống rỗng, ở đây – sự thật sẽ lại cất tiếng. Tại sao buồn đau lại chân thật hơn những lẽ khác? Vì đang nhiên chẳng có cơ chế nào để làm giả những thứ cảm xúc không được ưu ái ấy. Hạnh phúc, niềm vui, lạc quan hay tích cực thì có thể lấp liếm chăng, gượng cố chăng. Nhưng nỗi đau luôn là thật. Đó là mỹ học của buồn đau: mức độ chân thật của nó – mà một kẻ thực sự biết đau sẽ hiểu rằng không thứ gì có thể cạnh tranh được với sự thật ở chiều kích này.

Nhưng điều gì là thật – một lần nữa, điều gì là thật? Hắn có sự thật nào ngoài sự thật của chính mình? Những rung động của hắn – trong võng mạc, trong màng nhĩ, trong hơi thở ngập ngừng, trái tim lỡ nhịp và run rẩy nơi đầu ngón tay?

Nhưng rủi chăng hắn hiểu ra sự thật ấy chẳng gì ngoài tù nhân trong sáu mặt chiếc hộp tri nhận của riêng hắn? Và hẳn nhiên, điều này là sớm muộn, vì kẻ truy cùng sự thật rồi sẽ đến được biên giới của nó. Và mắc kẹt ở đó. Bản án của lòng yêu sự thật là cô độc. Kẻ yêu sự thật xa lạ với những kẻ khác vì giá trị là chiều không gian kế tiếp ngăn chia các thế giới. Và kẻ yêu sự thật lại bất lực với chính nhau vì mỗi khuôn thước là độc nhất và không thể trùng khít hay tiếp nối, bất kể dùng bao nhiêu phép chiếu. Những sự-thật-sống di động bất định như trôi dạt trong không gian, bất khả tương giao vẹn toàn.

Kẻ hắn rơi vào mọi mưu tính khả thể để mở rộng các cổng tri nhận của mình, những mong được thoát ra. Điều này một lần nữa – nghiêm khắc hơn, đòi hỏi một chuỗi nhập thất nghiêm cẩn mà chỉ có đơn độc và khổ hạnh mới có thể – may ra, toại thành.

15.08.20

nghi lễ thánh thể 6
Luc-Olivier Merson, Truth (1901)

[Thánh thể 7] Khúc ca chú chim nhỏ

Chú chim nhỏ đã hót ba ngày bốn đêm và giờ đây khản tiếng. Ư ư ư ư, không ai biết vì sao chú cứ hót liên hồi, không một giây ngơi nghỉ. Những cọng lông óng ánh như màu mắt xanh sắp đến ngày tuyệt chủng, nhưng cổ họng thì đã nứt thành từng ô mốc méo khi những mẩu nước miếng cuối cùng thoát thai. Chú chẳng còn sức để nhảy lâng bâng trên cành, chân nghe cứng rát lớp vỏ xù xì của cây. Bài hát của chú chẳng còn trong trẻo, giờ nghe như tiếng nấc éo le. Có lạ gì thiên mệnh của tiếng hót: chú kêu oan cho đời mình và cho vạn đời chúng sinh – ba ngày bốn đêm trong giã tận tuyệt cùng không một lời đáp – nào có bất ngờ gì, không một lời đáp.

Chú nghe thấy tiếng mình vọng lại từ lồng ngực, loạng choạng đập vào từng thành mạch máu như tiếng rên rỉ của một kẻ già sắp tàn hơi. Tiếng hót của chú là bài ca của máu – đỏ rực những nỗi gằn gừ đòi tranh đấu với sự tha hoá. Đã muộn rồi nếu muốn lại trong veo, nhưng vẫn đó nếu người ta sở nguyện một lời sau cùng trăn trối. Xin được xưng tội và xin được thứ tha những lỗi lầm, để máu sôi cứa đứt da thịt mà bật chảy thành dòng như nước mắt khi về lại cố hương.

Chú không ngơi tiếng hót bởi đã sẵn sàng cho xiêu vắng lời hồi vọng. Chú miên man câu ca để đốt mình thành một ngọn lửa hoa. Máu chảy thành lửa – chú cơ đồ thân mình dự phần vào thiên ước theo cách ấy – không gì khác nơi các tế bào thanh quản tần số rung phải bị đẩy cao và kéo dài cho đến khi động năng chuyển thành nhiệt năng và bốc cháy.

Bỗng từ đâu tiếng thét chát chúa xé rách viễn tưởng của sứ ngôn thiên thần: Giết con chim nhại! Giết con chim nhại!

15.09.20

Edward Robert Hughes, Wings of the Morning