Dòng chảy, Lịch sử nghệ thuật, Nghệ thuật

Màu xanh lá – Từ sắc tố độc hại đến biểu tượng của chủ nghĩa môi trường

Mỗi màu sắc đều có một câu chuyện và màu xanh lá không phải ngoại lệ. Chúng ta ngày nay thường liên tưởng nó đến những gì thuộc về tự nhiên. Chất diệp lục là sắc tố quang hợp được tìm thấy trong thực vật và là nguyên nhân khiến cây cối có màu sắc tươi tắn và dịu mát. Màu sắc phổ biến này đã xuất hiện xung quanh chúng ta như một hằng số kể từ lịch sử của loài người (theo như những gì chúng ta biết), vì vậy có vẻ lạ lùng khi nghĩ về nó như một thứ gì đó thuộc về quá khứ. Nhưng thật ra nó có một lịch sử phong phú với nhiều thách thức. Trên thực tế, màu xanh lá cây không tự nhiên đến với những người cố gắng sản xuất nó như một sắc tố cho các bức tranh hoặc đồ vật trang trí. Thuở ban đầu nó nổi tiếng là một màu khó có thể xuất hiện, và các sắc tố của nó là một trong những chất độc nhất trong lịch sử.

Vậy hãy cùng tìm hiểu thêm về màu xanh lá cây và làm thế nào nó đi từ việc bị coi là một màu sắc đỏng đảnh và nguy hiểm đến một đại diện cho tự nhiên và sự trù phú.

Lịch sử của màu xanh lá cây (màu lục)

Màu lục thời Hy Lạp

Con người đã cố gắng trong nhiều thế kỷ để tạo ra một sắc tố màu xanh lá cây thực sự. Thời Ai Cập cổ đại, màu xanh lá cây là biểu tượng của sự tái tạo và tái sinh. Họ đã thử sử dụng khoáng chất đồng malachite để vẽ trên tường của các lăng mộ, tuy nhiên nó đắt tiền và dễ dàng biến thành màu đen theo thời gian. Người La Mã cổ đại đã đưa ra giải pháp ngâm các tấm đồng trong rượu vang để tạo ra verdigris, một sắc tố màu xanh lá cây xuất hiện sau khi kim loại bị phong hóa. Đây là màu xanh lá cây giống như sắc xanh bạn thấy ngày nay gỉ sét trên mái kim loại, tiền cổ hoặc tác phẩm điêu khắc. Người La Mã cổ đại đã sử dụng sắc tố này trên các bức khảm, bích họa và kính màu. Màu sắc ban đầu này cũng được sử dụng bởi các nhà sư thời trung cổ để tô màu các bản thảo. [Tuy nhiên màu verdigris theo thời gian bị tối đi nghiêm trọng biến thành màu nâu lờ mờ, không thể nhận ra – ND]

Hiệu ứng patina trên đồng qua thời gian
Trong bức tranh “Pietà” của Jean Fouquet, chiếc áo màu đen của người đàn ông bên trái ban đầu có màu xanh lá cây tươi sáng

Màu lục thời Phục hưng

Vào thời trung cổ, màu sắc của quần áo biểu thị cấp bậc xã hội và nghề nghiệp của một người. Màu đỏ được mặc bởi giới quý tộc, trong khi màu nâu và màu xám là của nông dân. Màu xanh lá cây đặc trưng cho các thương nhân, nhân viên ngân hàng và các quý ông. Cô dâu trong Chân dung Arnolfini của Jan van Eyck (1434) mặc một chiếc váy màu xanh lá cây tươi sáng, biểu thị địa vị và sự giàu có của gia đình cô.

màu xanh lá 2
The Arnolfini Portrait (1434) của Jan van Eyck

Trong thời gian này, nhiều sắc tố màu xanh lá cây được phát triển từ các chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như thực vật, nhưng màu sắc luôn bị phai theo thời gian. Các họa sĩ thời kỳ Phục hưng đầu tiên như Duccio di Buoninsegna đã phát hiện ra rằng nếu anh ta vẽ khuôn mặt bằng một lớp lót màu xanh lá cây sau đó phủ thêm màu hồng, khuôn mặt sẽ mang một màu sắc chân thực hơn. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, màu hồng đã phai dần khiến một số khuôn mặt trong tranh chuyển sang màu xanh lá cây ốm yếu.

Màu xanh độc hại

Năm 1775, nhà hóa học người Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele đã phát minh ra một màu xanh lá cây sáng chết chóc được làm bằng hóa chất độc hại arsenite. Được gọi là màu xanh của Scheele, nó phổ biến đến mức vào cuối thế kỷ 19 đã thay thế thuốc nhuộm khoáng sản và thực vật trước đó. Nhưng phát minh này đã phải trả giá.

Màu xanh của Scheele được sử dụng trên giấy, đồ treo tường, vải và thậm chí cả đồ chơi trẻ em. Một số tạp chí thế kỷ 19 có báo cáo về việc trẻ em trở bệnh trong những căn phòng màu xanh lá cây tươi sáng, và phụ nữ mặc váy màu xanh lá cây bị bệnh do tiêu thụ hơi độc. Các nhà sử học tin rằng sắc tố gây ra cái chết của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte vào năm 1821 có liên quan đến việc giấy dán tường phòng ngủ của ông có màu sắc chết người này.

Vào cuối thế kỷ 19, một sắc tố tương tự có tên là Paris Green đã thay thế cho màu xanh của Scheele. Tuy nhiên nó vẫn có độc tính cao. Đây là sắc tố được sử dụng bởi những người theo trường phái Ấn tượng Pháp như Claude Monet, Paul Cézanne và Pierre-Auguste Renoir để tạo ra những cảnh quan tông xanh tươi tốt của họ. Một số người tin rằng sắc tố này có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường của Cézanne Wild và chứng mù của Monet. Paris Green cuối cùng đã bị cấm vào những năm 1960.

màu xanh lá 6
Mont Sainte-Victoire and the Viaduct of the Arc River Valley (1885) của Paul Cézanne

Màu xanh như một biểu tượng cho đổi mới

Ngày nay, màu xanh lá cây có liên quan đến ý thức về môi trường và “sống xanh” đã trở thành một cụm từ phổ biến được hiểu tương đối thống nhất. Màu sắc này đã trở thành biểu tượng của sự bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhiều phiên bản của màu xanh lá cây vẫn gây hại cho chính lối sống đó. Bất chấp tất cả những tiến bộ hiện đại trong công nghệ sản xuất màu sắc, việc sản xuất thuốc nhuộm và sắc tố màu xanh lá cây vẫn còn nhiều khó khăn và nhiều màu sắc vẫn chứa các chất độc hại.

Một trong những sắc tố xanh lá cây phổ biến nhất hiện nay được gọi là Pigment Green 7. Nó có chứa clo và được sử dụng trong nhựa và giấy, vì vậy khi được tiêu thụ có thể dẫn đến bệnh tật và thậm chí tử vong. Một màu sắc phổ biến khác là Pigment Green 36, cũng bao gồm clo và các nguyên tử bromide có khả năng gây nguy hiểm. Đặc biệt, Pigment Green 50 phổ biến là một loại hỗn hợp độc hại của coban, titan, niken và kẽm oxit.

Bất kể những khía cạnh hóa học có hại, màu xanh lá cây vẫn gợi nhắc đến những cảm giác tích cực như sức sống, sự tươi mát, bình tâm và hồi sinh. Hệ thống màu tiêu chuẩn Pantone đã tuyên bố Màu sắc của năm 2017 là màu xanh lá cây “Greenery”. Tập đoàn này mô tả màu xanh lá cây Greenery có “sắc thái chứng thật sự sống” tựa như màu xanh pha lẫn vàng tươi say mê mát mắt dội lên trong những ngày đầu tiên của mùa xuân, khi sắc xanh của thiên nhiên cựa quậy và hồi sinh. Các thuộc tính củng cố tự nhiên của Greenery minh họa những tán lá hưng thịnh và sự tươi tốt của thiên nhiên tuyệt vời, nhắc nhở người tiêu dùng hãy hít một hơi thật sâu, nạp đầy oxy và để năng lượng được tái sinh.

Màu xanh Greenery do Pantone bình chọn

Nhữ Giao tổng hợp và dịch, đăng lại từ blog cũ

Nguồn: 
Emma Taggart, The History of the Color Green: From a Poisonous Pigment to a Symbol of Environmentalism đăng ngày 16/06/2020 trên mymodernmet

Tham khảo:
The beauty of copper: the patina effect
Why Renaissance paintings aren’t as green as they used to be