Dòng chảy, Lịch sử nghệ thuật, Nghệ thuật

Màu đỏ – Những bức tranh cổ điển đến đế giày Louboutin

Màu đỏ không chỉ là màu cơ bản trong bảng màu, nó là một màu lâu đời trong lịch sử loài người. Đây là một trong những màu đầu tiên được các nghệ sĩ sử dụng — từ thời tiền sử, và có ý nghĩa đặc biệt đối với các nền văn hóa trên thế giới. Trong lịch sử, sắc độ của đỏ đã có những thay đổi, từ màu cam đến màu rượu vang đậm.

Gam màu ấm nóng này thường được liên tưởng đến tình yêu trong văn hóa phương Tây bởi tính chất hấp dẫn, rực rỡ và gây chú ý ngay lập tức. Trong nhiều nền văn hóa khác, màu đỏ còn tượng trưng cho niềm vui và may mắn. Ở nhiều nước châu Á, cô dâu mặc trang phục đỏ như biểu tượng cho khả năng sinh sản và hỉ sự. Ở Châu Âu, nó là dấu hiệu của giới quý tộc và tăng lữ. Sự liên kết giữa màu đỏ với hình tượng máu của Chúa Kitô khiến nó trở nên đặc biệt quan trọng đối với nhà thờ Công giáo, đến nỗi người ta gọi các nhà lãnh đạo cao cấp của Giáo hội là các hồng y – theo màu áo mà các vị này mặc theo truyền thống.

Màu đỏ là màu quyền lực và phổ biến trong nghệ thuật và dệt may từ thời cổ đại, và dưới đây là những dấu mốc và sắc thái nổi bật nhất của nó.

Red Ocher

Một trong những dạng lâu đời nhất của màu đỏ đến từ đất sét có chứa khoáng chất hematit, thường gọi là thổ chu hay đất son đỏ. Bằng chứng đã được tìm thấy chỉ ra rằng con người ở thời kỳ đồ đá muộn đã mài thổ chu để sơn cơ thể của họ. Màu đỏ cùng với trắng và đen là những màu duy nhất được các nghệ sĩ trong thời đại đồ đá cũ sử dụng vì chúng rất dễ kiếm được trong tự nhiên. Những bức tranh hang động thời tiền sử ở Altamira, Tây Ban Nha, có niên đại từ năm 15000 đến năm 16500 TCN là những ví dụ ban về những bức tranh bằng thổ chu thời kỳ đầu.

màu đỏ 0
Một con bò rừng từ hang động Altamira ở Tây Ban Nha, được vẽ từ 15.000 đến 16.500 TCN

Màu đỏ cũng xuất hiện nhiều ở Trung Quốc cổ đại, với những mẫu đồ gốm đen và đỏ có niên đại từ 5000 đến 3000 TCN. Dấu vết của đất son đỏ thậm chí còn được tìm thấy trên bảng màu của một họa sĩ bên trong lăng mộ của Vua Tut ở Ai Cập.

Ở Ai Cập cổ đại, son đất đỏ được sử dụng như một loại mỹ phẩm để phụ nữ tô màu môi và má. Trong các lễ kỷ niệm, mọi người sẽ tô màu cơ thể của họ bằng loại bột màu này. Theo quan niệm của văn hóa Ai Cập, màu đỏ có liên quan đến sự sống, sức khỏe và chiến thắng. Chất bột đỏ cũng thường được sử dụng trong các bức tranh tường.

Cinnabar (chu sa)

Màu đỏ cinnabar có tông từ đỏ tươi rực rỡ đến gạch đậm và được đặt tên theo loại khoáng chất đã tạo ra nó. Thủy ngân sulfua này có độc tính cao, nhưng đã được sử dụng từ thời Ai Cập. Người La Mã cổ đại đặc biệt ưa chuộng sự rực rỡ của nó, sử dụng nó rất nhiều trong trang trí. Các bức tranh tường còn lại ở Pompeii là minh chứng. Vào thời La Mã, hầu hết chu sa đến từ các mỏ ở Almadén ở Tây Ban Nha, các công nhân thường là tù nhân và nô lệ, những người bị buộc phải làm việc trong môi trường độc hại cao. Chu sa được đánh giá cao vào thời La Mã đến nỗi nó có giá cao hơn đất son đỏ và xanh của Ai Cập từ châu Phi.

màu đỏ 1
Bức “Villa of Mysteries” tại Pompeii

Từ thế kỷ 12, chu sa cũng được sử dụng nhiều trong các đồ sơn mài chạm khắc của Trung Quốc. Trong thời cổ đại, bột màu đỏ son được làm từ chu sa. Điều này không nên nhầm lẫn với các loại sơn sau này cũng được gọi là màu đỏ son (vermilion).

Vermilion

Người ta cho rằng người Trung Quốc là những người đầu tiên sản xuất ra màu đỏ son tổng hợp, có lẽ sớm nhất là vào thế kỷ thứ 4 TCN. Loại sơn này được các nhà giả kim thuật Ả Rập mang đến châu Âu, được các họa sĩ thời Phục hưng ưa chuộng, đặc biệt là Titian – người được biết đến với việc sử dụng nhiều lớp màu rực rỡ. Vermilion thường là màu đỏ cam, sau này người ta nhận ra khuyết điểm của nó là bị tối dần theo thời gian, trở thành màu nâu tía sẫm.

màu đỏ 2
Bức “Pesaro Madonna” (1519-1526) của Titian

Vào thời Trung cổ, màu đỏ son tổng hợp đắt như vàng lá. Vì vậy, nó chỉ được sử dụng cho những khía cạnh quan trọng nhất của bản thảo, trong khi chì đỏ ít tốn kém hơn được sử dụng cho các chữ đỏ trong văn bản. Vermilion vẫn là sắc tố đỏ phổ biến nhất trong suốt thế kỷ 20, cho đến khi sự độc hại và tốn kém của nó khiến hầu hết các nghệ sĩ chuyển sang sắc tố đỏ Cadmium. Ở Trung Quốc, tầm quan trọng của màu đỏ son đã khiến nó được gọi là “màu đỏ Trung Quốc”. Màu này được cho là biểu tượng của cuộc sống và vận may, xuất hiện trong các ngôi đền và cỗ xe của Hoàng đế.

Đỏ thẫm crimson

Màu đỏ đậm crimson, nghiêng về màu tím, được tạo ra từ xác khô của các cá thể cái trong loài côn trùng kermes. Những con côn trùng có vảy này ăn nhựa cây sồi thường xanh, được thu hoạch thương mại để sản xuất thuốc nhuộm và sơn. Màu đỏ crimson tạo ra từ kermes không còn được ưa chuộng trước sự ra đời của hồ màu đỏ thẫm – hay còn gọi là carmine – được sản xuất bởi loài cochineal tức rệp son hay bọ yên chi. Điều này một phần bởi phải mất mười hai lần lượng kerme để đạt được cường độ màu sắc của một lượng Cochineal.

màu đỏ 3
Áo choàng đăng quang của Roger II xứ Sicily (1133–4), nhuộm đỏ thẫm bằng kermes

Màu đỏ thẫm được làm từ kermes còn được gọi là đỏ thẫm tự nhiên để tránh nhầm lẫn nó với hồ màu đỏ thẫm (carmine). Sau đó, màu đỏ thẫm còn được tạo nên từ hợp chất hữu cơ Alizarin, được coi như thuốc nhuộm đỏ tổng hợp đầu tiên. Màu sơn đỏ thẫm từ Alizarin là màu sơn yêu thích của Bob Ross và được sử dụng thường xuyên trên The Joy of Painting.

Carmine (đỏ yên chi)

Như với tất cả các chất màu trong hồ, carmine được làm từ chất hữu cơ, trái ngược với các khoáng chất vô cơ được sử dụng trong các màu như ultramarine hoặc đỏ son. Được làm từ những con bọ cochineal có vảy nhỏ, sống trên xương rồng, sắc tố này đã đến châu Âu vào đầu thế kỷ 16 khi những quân xâm lược Tây Ban Nha nhận thấy màu đỏ rực rỡ được sử dụng bởi người Aztec. Côn trùng Cochineal là một mặt hàng nhập khẩu có giá trị của châu Âu vào thế kỷ 16, đứng thứ ba sau vàng và bạc. Được sử dụng cả trong sơn và thuốc nhuộm, màu sắc thu được là biểu tượng của sự giàu có. Nhiều quý tộc châu Âu mặc quần áo nhuộm bằng cochineal vì nó tạo ra màu đỏ mạnh hơn nhiều so với các giống kermes đã có ở châu Âu.

Carmine đã tạo ra một màu đỏ thẫm tuyệt đẹp, được sử dụng bởi gần như tất cả các họa sĩ vĩ đại của thế kỷ 15 và 16, Rembrandt, Vermeer và Velázquez là một vài tiêu biểu. Tuy nhiên, chất màu này phải được sử dụng cẩn thận vì nó có thể thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với ánh sáng.

màu đỏ 4
Bức “The Jewish Bride” (1666) Rembrandt

Chì đỏ (Minium)

Chì đỏ, hay còn gọi là minium là một vật liệu có độc tính cao khác có lẽ được người Trung Quốc sản xuất lần đầu tiên vào thời nhà Hán. Trên thực tế, nó được coi là một trong những thuốc nhuộm tổng hợp đầu tiên, vì nó được tạo ra bằng cách rang chất chì màu trắng. Chì trắng rang càng lâu thì càng có màu đỏ cam. Ít tốn kém hơn bột màu làm từ chu sa, chì đỏ được sử dụng rộng rãi trong các bản thảo thời Trung cổ, cũng như các bức tranh thu nhỏ của Ba Tư và Ấn Độ.

Vincent van Gogh được biết đến là một fan hâm mộ của chì đỏ, ông đã sử dụng nó rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật không may, minium bị trắng dần theo thời gian khi tiếp xúc với ánh sáng, khiến màu đỏ trong tranh của ông mờ dần đi.

màu đỏ 5
Bức “The Night Cafe” (1888) của Vincent van Gogh

Sự thật thú vị: Chì đỏ còn gọi là minium nghĩa là “thu nhỏ”, vì các nghệ nhân làm việc trên các bản thảo thời Trung cổ được gọi là miniators.

Màu đỏ cadmium

Màu đỏ cadmium là thuốc màu tạo từ chất hóa học cadmium, bắt đầu được bán trên thị trường vào năm 1910 và được ưa chuộng vào thế kỷ 20. Đỏ cadmium được biết đến với độ bền màu. Henri Matisse là một người đặc biệt yêu thích màu sắc rực rỡ và là họa sĩ nổi tiếng đầu tiên sử dụng nó trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

màu đỏ 3
Bức “Interior with Black Fern” (1948) của Matisse

Mặc dù mức cadmium sulfide trong bột màu không độc hại lắm, nhưng vào năm 2014, Liên minh Châu Âu đã cân nhắc một lệnh cấm cadmium do lo ngại rằng nó có thể gây ô nhiễm nguồn nước khi các nghệ sĩ lau cọ của họ. May mắn thay, các nghiên cứu sâu hơn đã chứng minh rằng những lo ngại này không có cơ sở và màu đỏ cadmium tiếp tục là một thành phần được yêu thích trong bảng màu của nhiều nghệ sĩ. Matisse từng đã cố gắng thuyết phục bạn thân của mình là Renoir sử dụng màu đỏ cadmium nhưng không thành công, Renoir nhanh chóng trở lại loại thuốc màu cũ của mình sau khi thử cadmium một lần.

Màu đỏ Louboutin

Nhiều tông màu đỏ đã được tôn sùng trong lịch sử thời trang, nhưng nhà thiết kế Christian Louboutin là người đưa ra một tông màu cụ thể: đỏ Trung Quốc (đừng nhầm với đỏ son đôi khi cũng được gọi là màu đỏ Trung Quốc nhắc đến phần trên). Năm 1992, ông cho ra mắt đôi giày đế đỏ, sau đó nó nhanh chóng trở thành đặc trưng của thương hiệu Christian Louboutin. Màu sắc rất cụ thể này là Pantone 18-1663 TPX. Louboutin đã đăng ký nhãn hiệu giày dép đỏ của mình ở một số quốc gia. Giờ đây, những đôi giày đế đỏ của nhà thiết kế này được coi là biểu hiện của sự sang trọng và thanh lịch, thường được giới thượng lưu, giới mộ điệu thời trang và những người nổi tiếng mang tại các sự kiện nổi bật. Không chỉ đơn thuần là một màu sắc, nó đã trở thành biểu tượng của sự giàu có và phong cách.

Giày cao gót đế đỏ Christian Louboutin mang đầy tính biểu tượng

Sự thật thú vị: đôi giày đế đỏ đặc trưng của Louboutin ra đời một cách tình cờ. Trong khi làm việc trên một mẫu giày, ông cảm thấy thiếu một thứ gì đó. Ngay lúc đó ông nhận thấy một trợ lý sơn móng tay màu đỏ và quyết định sơn màu đỏ cho phần đế đen của đôi giày.


Nhữ Giao dịch
Nguồn: Jessica Stewart, The History of the Color Red: From Ancient Paintings to Louboutin Shoes, đăng ngày 26/09/2018 trên mymodernmet