Triển lãm Thủy: Những cung bậc loang nhòe qua ranh giới
Cách đây ba năm, họa sĩ Bùi Thanh Thủy chuyển từ đất liền đến Hawaii – một hòn đảo nằm giữa Thái Bình Dương, đa sắc tộc và dường như chẳng thuộc về đâu khác. Chị vừa trở lại Việt Nam và mở triển lãm hơn ba mươi bức tranh chủ yếu bằng chất liệu sơn acrylic, đánh dấu một thoát thai trong hành trình sáng tác và trong cuộc đời mình.
Triển lãm Thủy diễn ra tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, từ ngày 19/05 đến 24/05/2020.
Bước vào không gian triển lãm là sự lấn át hoàn toàn của màu sắc. Những mảng màu loang vào nhau không rõ đường biên, như thể những dòng nước đa sắc màu ấy sắp sửa lan ra, hòa lẫn vào nhau và ôm lấy toàn bộ không gian.
Choáng ngợp trước thiên nhiên
Người họa sĩ chuyển ra đảo sống xuất phát từ những thôi thúc rất tự nhiên của đời sống. Đất California nhiều họa sĩ, và với một người mới lại bận rộn công việc gia đình, rất khó để chị sống trọn vẹn với nghề. Nhưng Hawaii thì khác, có rất nhiều khách du lịch đến và đi, nghệ thuật đường phố sôi nổi, nhiều người mua tranh như một món quà lưu niệm. Và Hawaii đã cho chị điều chị hằng mong mỏi: hằng ngày sáng tác, treo tranh trên hàng rào, ngoài hè phố để bán kiếm sống. Một cuộc sống đơn thuần hơn và cũng tự do hơn.
Nhưng hòn đảo rực rỡ này có lẽ làm nảy nở trong chị nhiều hơn thế. Thiên nhiên khiến chị hoàn toàn bị choáng ngợp. Màu xanh của bầu trời, của đại dương và của cây cỏ đã đi vào nhiều bức tranh, trở thành những series Xanh, Nước Xanh. Những sắc xanh vốn dữ dội nhưng hòa vào nước trở nên mềm mại hơn, xâm lấn lấy không gian tranh nhưng một cách dịu dàng và tĩnh lặng.
Sáng tác là làm việc với chính mình
Cảm hứng mãnh liệt nhất là thiên nhiên, nhưng sáng tác luôn là quá trình tự làm việc với chính mình. Đâu đó người nghệ sĩ nhìn thấy mình trong những gì hiện hữu trước mắt, để luôn quay về và khắc khoải với những nỗi niềm riêng kín. Nhóm tranh bộ Du ca, Không đề, những tác phẩm Miền mộng mơ, Khát khao, Suy tư, Cô đơn, đều là những đoạn hành hương vào sâu thẳm bên trong để hiểu hơn về những bản thể của mình.
“Cô đơn với tôi vô cùng quý giá trong sáng tác” – bởi nếu không có cô đơn, không có những thiếu thốn, có lẽ những thôi thúc sáng tác chẳng da diết đến thế. Nhưng Bùi Thanh Thủy không dễ dãi dù với những nỗi niềm của mình. Trong sáng tác chị lần tìm nguồn cơn của chúng. Điều gì mình muốn, điều gì mình cần, điều gì mình muốn nhưng chưa cần – có những cung bậc khác nhau và chị đã có lời phân định cho nó.
Sự tình cờ
Những tác phẩm của Bùi Thanh Thủy trong triển lãm lần này hàm chứa sự tình cờ: những loang màu trên toan. Có bố cục, nhưng không có phác thảo. Chị mở lối cho chất liệu dẫn dắt và theo đuổi những tình cờ thú vị. Acrylic trở thành chất liệu chủ đạo như một sự giải phóng về phương pháp nhằm biểu đạt sự tự do trong hình thức. Ở chiều ngược lại, sự bay bổng trong Bùi Thanh Thủy cũng cho phép acrylic trở nên linh hoạt hơn, nhẹ nhõm hơn – như thể nước.
Nỗi cô đơn trong Bùi Thanh Thủy vẫn ở đó, nhưng trở nên tích cực. Những bức tranh thiên tối vẫn thấy được sự tươi tỉnh. Có những gam màu bạo liệt, nhưng không hề nhìn thấy sự mâu thuẫn. Nếu theo dõi hành trình của Thủy, không quá khó để nhận ra chị đã tìm được cách dung hòa những trăn trở nội tại. Không tranh đấu, không phó mặc, người đàn bà ở ngưỡng chín và đằm của cuộc đời dịu dàng dung chứa tất cả, kéo mọi thứ lại gần nhau và loang nhòa những ranh giới.
“Ao ước được hóa thân, loang nhòe vào thiên nhiên” – người nghệ sĩ mở lòng vì nhận ra mình luôn là một phần của thiên nhiên. Triển lãm cá nhân mang tên của chính chị, và thêm một tình cờ chăng: Thủy hay là nước – người nghệ sĩ đã tìm thấy mình bằng tan chảy mình vào những gì rộng lớn hơn./
Nhữ Giao viết
Đăng lại từ Hanoi Grapevine ngày 22/05/2020