Sự kiện đương đại

Các yếu tố của ngôn ngữ tạo hình đương đại qua Triển lãm Thép và Vải

Triển lãm Thép và Vải diễn ra từ ngày 26/05 đến ngày 31/05/2020 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trong khuôn khổ triển lãm, buổi tọa đàm diễn ra vào 15h chiều ngày 26/05 đã quy tụ nhiều tên tuổi lão làng trong ngành mỹ thuật Việt Nam, bàn về chủ đề “Vai trò của chất liệu trong nghệ thuật đương đại”.

Chất liệu là ngôn ngữ tạo hình

“Trong nghệ thuật chất liệu là ngôn ngữ tạo hình” – Nhà nghiên cứu mĩ thuật Tăng Thanh Thục trình bày. Lịch sử tạo hình là lịch sử tìm kiếm và tạo ra chất liệu. Các nghệ sĩ làm việc trực tiếp với chất liệu để tạo nên tác phẩm, dùng chất liệu để biểu đạt những ý tưởng sẵn có bên trong mình, nhưng đồng thời chất liệu cũng có tiếng nói tự thân của nó.

Từ trái sang phải: hoạ sĩ Trần Thanh Thục, nhà nghiên cứu mĩ thuật Tăng Thanh Hiền, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và nhà nghiên cứu mĩ thuật Nguyễn Quân

Thép và Vải là hai ví dụ khác nhau về chất liệu, đồng thời thuộc hai hoạt động sáng tác khác nhau là điêu khắc và hội họa. Được đặt cạnh nhau trong một triển lãm, chúng nhằm thể hiện một sự đối lập, nhưng đều nằm trong các lựa chọn đa dạng của các nghệ sĩ đương đại về chất liệu.

Triển lãm Thép và Vải – Hai ví dụ đối lập về chất liệu

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền lựa chọn chất liệu thép vì nó cho phép chị tạo ra những hình học rõ ràng và nhịp điệu khúc chiết, cùng tính vững chắc, ổn định hình đúng như mình mong muốn. Đặc biệt, chị dùng màu hồng rực rỡ cho hầu hết các tác phẩm của mình trong triển lãm lần này, vừa giúp cấu trúc của tác phẩm trở nên nổi bật, vừa làm mất bớt đi sự nặng nề của chất liệu kim loại. Các tác phẩm mô phỏng những tồn tại tự nhiên như hoa sen, sóng nước – đều là những hình dạng và chuyển động rất mềm mại.

Triển lãm Thép 1
Triển lãm Thép 2
Triển lãm Thép 3
Triển lãm Thép 4
Một số tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền trong triển lãm

Trong khi đó, họa sĩ Trần Thanh Thục đã có hơn 30 năm làm việc với chất liệu vải. Chị có một kho họa phẩm đồ sộ sau gần 40 năm thu thập cả trong nước và quốc tế, chủ yếu là vải áo dài và khăn lụa. Chủ đề trong các tác phẩm của chị không mới, chủ yếu là tranh phong cảnh, nhưng ngay từ ấn tượng đầu tiên có thể nhận thấy sự khác biệt của của chúng. Các bức tranh được chồng lên bởi rất nhiều chi tiết vải, tạo cảm giác có chiều sâu như không gian 3D, nhưng không hề tạo cảm giác nặng nề mà sự chuyển màu mềm mại đến mức như thể tranh vẽ.

Các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục

Kĩ thuật mở ra tiếng nói tự thân của chất liệu

Việc lựa chọn chất liệu không phải toàn bộ câu chuyện, kĩ thuật được sử dụng phù hợp với chất liệu đó cũng đòi hỏi rất nhiều thử nghiệm và sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong trường hợp của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền, chị đã học qua nhiều kĩ thuật khác với thép nhưng bởi thể trạng nhỏ bé của người phụ nữ, chị không thể hoàn toàn làm chủ nó, đặc biệt là kĩ thuật hàn. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn” – Lê Thị Hiền cho biết, chị đã tìm ra kĩ thuật phù hợp với người nữ đó là xiết và gập. Kĩ thuật mới mẻ này thậm chí gây ngạc nhiên cho nhiều nghệ sĩ quốc tế. Cùng với kĩ thuật này, một cách tự nhiên chị đi tìm những chuyển động nhẹ nhàng của thép – có lẽ bởi chính tính nữ bên trong mình. Đồng thời chị dần dần chuyển từ thép tạo khối sang tạo hình bởi các thiết diện mảnh. Quá trình này không phải chủ ý của người nghệ sĩ mà chính là tiếng nói tự thân của chất liệu. Ngôn ngữ trừu tượng với tính hình học, tính môđun ngày càng biểu lộ rõ trong các sáng tạo của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền cùng với những đường gấp của thép.

Khán giả trong không gian đặt tác phẩm điêu khắc của chị Lê Thị Hiền

Nếu như chị Lê Thị Hiền làm việc với tính rắn chắc của thép bằng sự ngẫu hứng, thì họa sĩ Trần Thanh Thục, ngược lại, làm việc với những mẩu vải nhõng nhẽo bằng sự tỉ mỉ đáng kinh ngạc của mình. Trong xưởng làm việc của chị, tất cả mọi thứ đều được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Chị không bao giờ bật quạt để giữ sự ổn định cho các mẩu vải, và thường phải nín thở để dán các chi tiết nhỏ li ti vào tranh một cách chính xác trước khi hồ dán khô sau 1 phút. Để tạo nên các bức tranh theo ngôn ngữ hiện thực, chị không dùng bất cứ nét vẽ nào để phác thảo hay định hình. Tiếng nói tự thân của vải chính là những nét vẽ có sẵn trên các mảnh vải trong kho họa phẩm. Chị tìm kiếm và lựa chọn từng chi tiết, dùng rất nhiều lớp vải chồng lên nhau, lớp trên che đi các chi tiết thừa của lớp dưới, thêm vào sợi bông, sợi vải để tạo nên các đám mây hay bụi hoa trắng.

Chị Trần Thanh Thục trả lời phỏng vấn về triển lãm

Với hai chất liệu đối lập nhau, hai nghệ sĩ nữ đã dùng những kĩ thuật khác nhau để cân bằng lại chất liệu của mình. Chính vì vậy, hai phần của triển lãm Thép và Vải thống nhất với nhau trong sự mềm mại uyển chuyển và đa chiều của nữ tính.

Không gian của nghệ thuật đương đại

Một điểm chung tiếp theo của triển lãm Thép và Vải là các chất liệu này đều là sản phẩm của công nghiệp, nhưng dưới bàn tay lao động và sáng tạo của các nghệ sĩ, chúng có thể trở thành ngôn ngữ của nghệ thuật. Đây là đặc điểm chỉ có thể thấy trong nghệ thuật hiện đại. Theo nhà nghiên cứu Mĩ thuật Nguyễn Quân, ngôn ngữ của nghệ thuật hiện đại đặt trong môi cảnh Hậu Hiện đại có thể có những không gian sinh hoạt rất mới so với các thế hệ trước ở Việt Nam, như việc trưng bày các tác phẩm ở nước ngoài như nhiều triển lãm của chị Lê Thị Hiền.

Nhà nghiên cứu Mĩ thuật Nguyễn Quân chia sẻ suy nghĩ về triển lãm

Việc tính toán đến không gian của chất liệu ngay từ quá trình tạo hình không phải là điều mới và nhà điêu khắc Lê Thị Hiền đã luôn áp dụng điều này. Về điểm này, họa sĩ, giáo sư Ngô Xuân Bính còn nhấn mạnh, các tác phẩm đương đại cần có thêm “yếu tố chế áp” để tạo ấn tượng trong các không gian lớn, “tính mở” hay “hiệu ứng thân gần” để kêu gọi sự tương tác của con người, bởi một trong những đặc trưng của các nghệ thuật đương đại là sự tham gia của nó vào các không gian công cộng.


Nhữ Giao viết
Đăng lại từ Hanoi Grapevine ngày 29/05/2020