Sự kiện đương đại

Triển lãm Khải: Một cách khởi đầu mới cho truyền thống

“Khải” mang nghĩa Hán Việt là “một khởi đầu mới suôn sẻ”. Cái tên triển lãm như muốn gửi gắm thông điệp của các nghệ sĩ về việc tạo ra một khởi đầu mới cho việc sử dụng những kĩ thuật truyền thống. Triển lãm Khải diễn ra tại Không gian triển lãm Manzi, số 2, ngõ Hàng Bún, Hà Nội, từ ngày 22/05 đến ngày 03/06/2020.

Từ những nguyên liệu và quy trình làm vải thủ công ở Việt Nam, các nhà thiết kế đã tạo nên hai tác phẩm cực kì mới mẻ, hiện đại cho nội hàm của truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm.

Mang Việt Nam trình hiện giữa London

Dự án dựa trên nghiên cứu của Tiến sĩ Marta Gasparin đến từ Trường Kinh doanh thuộc Đại học Leicester (Anh quốc), tập trung vào sự đổi mới theo hướng thiết kế chậm ở các nền kinh tế đang trong giai đoạn biến chuyển. Nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực dân tộc học về các nhà thiết kế tại Việt Nam để hiểu quá trình thiết kế của họ, từ đó Đổi mới dựa trên Thiết kế Chậm đề xuất một hệ thống kinh tế thay thế dựa trên việc tổ chức lại vai trò và định vị chiến lược của các tác nhân như nhà quản lý, nhà thiết kế, thợ thủ công… trong ngành công nghiệp đương đại, đồng thời tôn vinh giá trị của tự nhiên và con người. Mô hình này có thể giúp giảm thiểu lợi dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên, và hơn thế là đưa ra các sản phẩm và dịch vụ với chất lượng cao, tuổi thọ tăng nhờ vào các kỹ thuật thủ công và truyền thống địa phương. 

Từ tiền đề đó, Giám tuyển người Anh Claire Driscoll – đồng sáng lập không gian nghệ thuật và thiết kế Work Room Four tại Hà Nội đã hợp tác với ba nhà thiết kế Việt Nam là Thảo Vũ, Giang Nguyễn và Lê Thanh Tùng trong dự án này. Đây cũng là dự án đầu tiên của Việt Nam tham gia triển lãm London Design Biennale. Triển lãm năm 2018 với chủ đề “Emotional States” –  Những Trạng thái Cảm xúc, và tác phẩm sắp đặt Khải là một trình hiện từ Việt Nam tham gia cùng những trạng thái cảm xúc và thể hiện đa dạng từ hơn 40 quốc gia và thành phố trên thế giới được đem đến London – một trong những trung tâm sáng tạo lớn nhất thế giới.

Tác phẩm sắp đặt của Việt Nam trong ấn phẩm của London Design Biennale 2018

“Các nhà thiết kế tham gia dự án làm việc tại cả Hà Nội và Sài Gòn theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo tiến độ và chất lượng tác phẩm cuối cùng” – bà Claire Driscoll, giám tuyển triển lãm Khải cho biết. Hành trình đem tác phẩm từ Việt Nam sang triển lãm tại London Design Biennale năm 2018 sau đó lại về triển lãm tại Việt Nam vào đầu năm 2020 là một hành trình dài đối với bản thân mỗi nghệ sĩ.

Hình thức đa dạng của các thiết kế mới

Triển lãm sắp đặt gồm hai tác phẩm, đầu tiên là Phòng Thí nghiệm cao khoảng 2m và bán kính khoảng 1m đặt giữa không gian triển lãm, gây ấn tượng mạnh với người xem. Ở giữa tác phẩm là một bể màu chàm – một thành phần trong kĩ thuật nhuộm màu tự nhiên của các dân tộc ở Việt Nam. Bên trên đó, rất nhiều chi tiết trong chu trình dệt – nhuộm truyền thống như các loại lá, hoa được sử dụng để nhuộm vải hay các loại bột sau công đoạn chế biến được sắp đặt trong các loại ống nghiệm với hình dáng và kích thước khác nhau, sắp đặt theo mô phỏng một cuộc thí nghiệm hiện đại. Màu sắc bắt mắt và bố cục cân xứng của tác phẩm tạo ra cảm giác hài hòa. Ngược lại, sự tương phản từ cấu trúc dạng tròn của bể chàm và các ống nghiệm và các thanh xuyên thẳng, đâm ngang, cũng như sự đối lập giữa các chất liệu cứng, chắc và những dải vải, bó sợi mềm mại phất phơ tạo nên sự phức tạp thú vị.

Triển lãm Khải 1
Triển lãm Khải 2
Tác phẩm Phòng Thí nghiệm
 
Chi tiết tác phẩm Phòng Thí nghiệm: Hoa Củ Nâu dùng để nhuộm vải đặt trong ống nghiệm
Tác phẩm thứ hai là Phòng Nghiên cứu. Vẫn dựa trên nền tảng là các kĩ thuật được mô phỏng trong tác phẩm trước, tác phẩm này sử dụng hình thức hoàn toàn khác là ghi chúng lại qua video tương tác. Các dải vải nhuộm tự nhiên được treo thành lớp, có tác dụng vừa như tấm màn che ngăn cách phòng chiếu với không gian bên ngoài, vừa như một tấm màn chiếu để phóng chiếu lên đó video mô tả chu trình tạo ra vải theo truyền thống. Cấu trúc dạng trụ tròn và màu chàm xuất hiện trong tác phẩm này cũng là sự lặp lại hình dạng của bể chàm trong Phòng Thí nghiệm, tạo ra tính kết nối về hình thức.
Các hình ảnh này được xen kẽ với typography của một số đoạn trong các nghiên cứu về ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt, đặc biệt là hệ thống dấu thanh và âm điệu độc đáo. Một thiết bị kĩ thuật trung tâm là nơi phát âm thanh và cho phép người xem thay đổi hình ảnh được chiếu. Đứng ở đây, người xem có cảm giác mình vừa là chủ thể có khả năng tác động đến quá trình bằng tương tác xúc giác, vừa là đối tượng bị bao vây bởi các trạng thái cảm xúc đa dạng của hình và tiếng.
Triển lãm Khải 4
Tác phẩm Phòng Nghiên cứu

Thiết bị kĩ thuật ở trung tâm

Cùng dựa trên chất liệu truyền thống, các hình thức có thể sáng tạo ra là cực kì đa dạng. Triển lãm Khải đã chứng minh điều đó, bằng hai hình thức rất khác biệt nhưng có tính xuyên suốt và thống nhất như một công trình duy nhất.

Đời sống mới của truyền thống

Ý tưởng tái hiện lại quy trình nhuộm tự nhiên trong hình thức như một phòng thí nghiệm nhân tạo hiện đại biểu lộ nỗ lực đổi mới và sáng tạo để kết hợp các kĩ thuật truyền thống trong “thiết kế dệt” hiện đại. Điều này gắn liền với công việc thực tế của Thảo Vũ – một trong ba nghệ sĩ tham gia dự án. Cô là nhà sáng lập của Kilomet 109, một nhãn hiệu thời trang bền vững chuyên sử dụng sợi hữu cơ và kỹ thuật nhuộm thực vật truyền thống – một mô hình “thiết kế chậm” điển hình. Kilomet 109 làm việc trực tiếp với các nghệ nhân địa phương để trồng, se tơ, dệt, nhuộm màu và in vải cho các thiết kế riêng của mình, hướng đến nâng tầm nghề làm vải truyền thống trở thành ngành thời trang cao cấp đương đại. Triển lãm Khải là một tuyên ngôn mang tính hình ảnh cho những can thiệp thực tế tương tự như công việc của Thảo Vũ, nhằm bảo tồn truyền thống, hướng đến phát triển bền vững và đem lại giá trị cao. 

Bên cạnh đó, những đặc trưng của Việt Nam như vải nhuộm và ngôn ngữ tiếng Việt được kết hợp thông qua nhiều tiếp xúc giác quan còn gửi gắm thông điệp về văn hóa. Giám tuyển của dự án – bà Claire Driscoll cho rằng sự tham gia của Việt Nam tại London Design Biennale có thể góp phần giới thiệu lại Việt Nam đến bạn bè quốc tế, vượt qua những ý nghĩa gắn liền với chiến tranh đã in hằn hơn nửa thế kỉ để tái định hình Việt Nam bằng những giá trị văn hóa nguyên bản và tính độc đáo trong các sáng tạo mới. 

Cũng theo nghiên cứu của Tiến sĩ Marta Gasparin và các cộng sự trong nhóm INCITE, Việt Nam là một trường hợp thú vị bởi cách phát triển của đất nước này bao hàm mối tương quan giữa sự biến đổi nhanh chóng và các câu hỏi về tính bền vững bắt nguồn từ mối quan tâm đến tốc độ phát triển. Trong bối cảnh đó, các kỹ thuật thủ công đang nổi lên như một cách để xác định bản sắc và văn hóa. Bản chất của chúng là những công việc bền vững, thân thiện với môi trường và hoạt động nông nghiệp đòi hỏi kĩ năng, sự chăm chút tỉ mỉ. Để duy trì nghề thủ công và đưa nghề thủ công Việt Nam ra thế giới, các phương thức tái tổ chức tự nhiên đòi hỏi vai trò tiên phong của các nhà thiết kế. Hiện nay đã có những sự dịch chuyển được ghi nhận: kỹ thuật thủ công cổ truyền bắt đầu xuất hiện trong những sản phẩm mới, ở những địa điểm mới, tương tác với các đối tượng mới trên toàn cầu. Sự dịch chuyển này có thể góp phần trong một sự thay đổi lớn hơn về quy mô và trật tự của các hệ thống kinh tế.


Nhữ Giao viết
Đăng lại từ bản tiếng Anh trên Hanoigrapevine ngày 11/08/2020