Lịch sử nghệ thuật, Dòng chảy

Hình mẫu Xưởng Nghệ thuật

Văn hóa thị giác của chúng ta trở nên phong phú bởi (truyền thống) ngôn ngữ cổ điển châu Âu đã dạy chúng ta cách nhìn, và hơn hết – nhìn một cách tinh tế hơn. Nghệ thuật hiện đại đang hướng chúng ta quay trở lại với chủ nghĩa nguyên thủy, và nếu chúng ta tán đồng với xu hướng này thì thành tựu văn hóa của năm trăm năm sẽ trở nên vô nghĩa. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ, trong cú chuyển văn hóa chống lại chủ nghĩa cổ điển vào những thế kỉ đầu Công nguyên. Cho đến tận thời kì Phục hưng ở Ý, mọi thứ mới bắt đầu được phục hồi, và với Bernini, các kĩ thuật đạt đến trình độ ngang bằng với thời kì cổ đại.

Tôi là một nhà điêu khắc, và quan tâm hàng đầu của tôi là điêu khắc – lĩnh vực dường như vẫn luôn có mối liên hệ rất lỏng lẻo với hội họa. Những tác phẩm điêu khắc từ thời Hy Lạp và La Mã được khai quật lên trở thành mối quan tâm đối với nền Phục hưng. Những phôi thạch cao từ cổ xưa và các bậc thầy thời ấy vẫn là nền tảng của các bản vẽ học thuật. Các họa sĩ được dạy cách quan sát bằng việc vẽ các tác phẩm điêu khắc này, và họ cũng phải học cách dựng mẫu bằng đất sét. Điều này giúp họ hiểu được cấu trúc ba chiều và từ đó chuyển thành tác phẩm hai chiều.

Đối với tôi, điêu khắc cổ điển là con đường yêu kiều để làm giàu quan sát của mình – điều mà mới sáu mươi năm trước đây còn là trải nghiệm được chú trọng và đào tạo như một điều hiển nhiên. Nền văn minh của chúng ta đã từng có một ngôn ngữ thị giác như thế, và các nghệ sĩ đóng vai trò chủ đạo trong việc duy trì nó. Nếu ngôn ngữ đó không còn được nuôi dưỡng và dạy dỗ, thì nó không thể được giải mã, nó rơi vào tình trạng mơ hồ; và điều này đã xảy ra. Đối với tôi đây là một vấn đề nan giải, bởi chẳng ai –đặc biệt là những người có bằng cấp ở các trường nghệ thuật hay chút tiếng tăm trong giới, muốn bị nói rằng thực ra là họ đang “mù chữ” về mặt hình ảnh. Họ có thể cảm thấy bị xúc phạm là đằng khác. Tuy nhiên thực tế là, một người có thể hiểu được ngôn ngữ thị giác trong nghệ thuật hiện đại, thậm chí đọc được thông điệp của nó, vẫn có thể hoàn toàn mù mờ khi đứng trước nghệ thuật cổ điển. Đây chính là điểm khó chấp nhận nhất trong nan đề này.

Tôi đã nhận ra điều này từ chính trải nghiệm của mình. Trong những năm đầu thập kỉ bảy mươi, phong cách nguyên thủy của Giacometti dường như là một giải pháp dễ dàng đối với những môn sinh điêu khắc tượng hình mới vào nghề như tôi. Tôi bắt đầu với nó, nhưng mau chóng từ bỏ bởi không thể dung hòa với thông điệp của nó. Rồi bắt đầu bị thu hút bởi thứ cảm xúc đầy say mê hiển hiện trong những tác phẩm điêu khắc của Bernini. Những tác phẩm của ông thực sự hoàn mỹ, nhưng kĩ thuật để đi đến nó thì lại chẳng được dạy. Tôi thực sự băn khoăn liệu mình có thể làm chủ những kĩ thuật ấy trong quãng đời ngắn ngủi của mình. Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với việc nghiên cứu học thuật, việc này tất nhiên khiến tôi chỉ đạt được một chút tiến bộ nhỏ về kĩ thuật, nhưng nó lại cho phép tôi nhìn nghệ thuật một cách sâu sắc và phát triển khả năng phân tích, phê bình của mình sắc nét hơn.

Công chúng đọc nghệ thuật dưới rất nhiều cấp độ khác nhau, và có những mức độ chẳng cần đến sự giáo dục cổ điển nào cả. Chúng ta có sự nhạy cảm bẩm sinh đối với tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ của cơ thể, phần lớn thông qua trung gian là ngôn ngữ cảm xúc. Nó tồn tại trong những biểu cảm khuôn mặt, hay toàn bộ cơ thể – đặc biệt khi khỏa thân. Đó có thể là ham muốn, nỗi sợ hãi…, hay có thể là những tổ hợp cảm xúc phức tạp và cực kì tinh tế. Nếu không có nghệ thuật truyền thống, thứ ngôn ngữ cơ thể này phần lớn được nhường lại cho các bức ảnh, các thước phim, video và đồ họa máy tính. Điều này làm cho việc duy trì ngôn ngữ cổ điển trở thành thiết yếu và quan trọng hơn là các nghệ sĩ phải nhận thức được điều này. Con mắt đã tôi rèn qua ngôn ngữ của nghệ thuật cổ điển sẽ cho chúng ta khả năng phân tích. Chúng ta hiểu được quy trình, các nghệ sĩ có thể sử dụng chúng một cách có chủ đích và sau đó là cực kì sáng tạo.

Các khuôn mẫu cổ điển giống như ngữ pháp và cú pháp của ngôn ngữ thị giác cổ điển. Đó là thứ ngôn ngữ mà một người phải học bằng cả đôi tay lẫn trí óc, và trong nhận thức không gian của họ. Tôi có thể so sánh nó với việc học ngoại ngữ – khi chúng ta tìm cách khiến lời nói tự vang lên trong tai mình. Tôi đang dạy hai nhà điêu khắc trẻ, và một trong số họ thì dạy tôi tiếng Pháp, hay đúng hơn là hồi sinh tiếng Pháp trong tôi. Tôi đã cố gắng giải mã một tin tức được phát trên TV. Chúng tôi ghi lại nó trên video, và với sự giúp đỡ của giáo viên mình, tôi đã viết ra tất cả các từ. Dần dần, khi nghe lại nó, những âm thanh xa lạ trở thành các từ và tôi có thể nghe hai hoặc ba phút tiếng Pháp. Thật là tuyệt diệu. Cô ấy so sánh nó với những gì diễn ra khi cô học làm những tác phẩm điêu khắc của mình. Tôi làm cho cô ấy thấy những điều cô ấy không thể giải mã được vì tôi có sức mạnh phân tích. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời khi tôi nhận ra rằng tôi có thể dạy người khác hiểu được khuôn mẫu của cổ điển, mà nếu không có sự giúp đỡ của tôi, có lẽ chúng chỉ xuất hiện như những hình dạng không thể phân biệt được.

Ngôn ngữ cổ điển là thứ phải được nuôi dưỡng giống như nó đã trị vì một thời kì hoàng kim trong lịch sử. Nó cũng tương đương như âm nhạc cổ điển, nhưng là hình ảnh thay vì âm thanh. Ngôn ngữ cổ điển nên được dạy như một trong những kho tàng văn hóa của chúng ta, nhưng thật không may, thay vì được dạy trong các trường đại học, nó thành ra bị bài xích. Chúng ta sẽ không thể đánh giá được nó hoặc tạo ra những kiệt tác mới, cho đến khi chúng ta có thể đảo ngược tình trạng trớ trêu ấy. Số lượng các nghệ sĩ cổ điển chuyên nghiệp có kiến thức đầy đủ về nghề của họ rất nhỏ, hầu hết là họa sĩ, và số lượng các nhà điêu khắc thì còn bằng một phần mười số đó. Nhưng những người này là vô cùng quý giá trong nỗ lực của chúng tôi để cứu nền văn hóa này.

Phong trào nghệ thuật hiện đại đã đặt ra một quan điểm mới mà hoàn toàn phá hủy đi góc nhìn của nghệ thuật cổ điển. Đó được xem như một trong số những cuộc cách mạng thành công nhất trong lịch sử. Để củng cố quan điểm rằng chủ nghĩa nguyên thủy là một phát kiến mang tính cách mạng, các nghệ sĩ như Picasso và Giacometti đã giẫm đạp lên các giá trị cổ điển. Điều này giúp lý thuyết của họ gặt hái được uy tín đối với giới trí thức và kinh viện. Bước tiếp theo là ngăn cản các hoạt động đào tạo hàn lâm tập trung, bởi vì nếu không có các đào tạo này, những thế hệ tương lai không thể nào lĩnh hội được ngôn ngữ thị giác cổ điển. Họ thậm chí không lường trước được chính điều này là tiền thân của chủ nghĩa hiện đại. Họ bị bào mòn trong chủ nghĩa nguyên thủy và không thể nhìn thấy được những điều mà họ thậm chí còn không biết nó tồn tại. Đây là bước quan trọng để lật đổ thẩm quyền của giới hàn lâm. Chủ nghĩa hiện đại đã ảnh hưởng tới hai thế hệ của tư duy, và chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát đối với việc giáo dục nghệ thuật thị giác. Sự khuyết thiếu trong nhận thức mới là hệ quả tồi tệ nhất – nó cho phép ai đó cảm thấy mình siêu phàm đến mức kiêu ngạo. Rất không may, sự kiêu ngạo này tồn tại ở những vị trí cao nhất trong hệ thống nghệ thuật của chúng ta.

Tôi cố gắng công bằng đối với các đồng nghiệp đi theo chủ nghĩa hiện đại khi họ kể với tôi về nghệ thuật đương đại một cách đầy phấn khích. Một ngày nọ, một nữ nghệ sĩ nói với tôi cô ấy cảm thấy được truyền cảm hứng bởi Giacometti và Francis Bacon đến thế nào. Cô ấy nhắc đến một vài cái tên khác mà tôi không nhớ nổi nữa. Sự nhiệt thành này với tôi vừa gây bối rối, lại vừa kích thích tư duy. Tôi phải chấp nhận rằng cô ấy thực sự chân thành với tất cả những cảm xúc ấy. Tôi biết cô ấy không có nền tảng nào về nghệ thuật cổ điển cả. Nhưng tôi cũng không thể nói rằng tôi có thể thấy ở Giacometti những điều mà cô ấy không thể thấy. Nói cách khác, tôi có thể nhìn thấy những khuôn mẫu cổ điển ẩn sâu bên dưới tác phẩm của Giacometti.  Dẫu vậy, tôi vẫn không hề cảm thấy thích ông ta. Tôi không có hứng thú với khủng hoảng hiện sinh hay sự tha hóa của con người. Tôi yêu cái đẹp và tôi muốn phản ánh nó trong các tác phẩm của mình. Đây chính là nơi xảy ra sự phân tách về mặt triết học trong nghệ thuật. Đó là một cuộc nổi loạn và vỡ mộng với các trật tự và hệ thống giá trị cũ. Mọi người có quyền nổi loạn. Đó là một phần của quá trình thay đổi, nhưng tôi nghĩ điều này không đồng nghĩa rằng chúng ta nên ném cả những giá trị tốt đẹp cũ ra ngoài cửa sổ.

Những người theo chủ nghĩa hiện đại tin rằng các nghệ sĩ không được đào tạo vẫn có thể tạo ra được những phác thảo truyền thống dạng thô sơ, từ đó truyền thống học thuật sẽ vẫn sống tốt. Nhưng bây giờ thì chúng ta thấy một làn sóng nghệ thuật dân gian, đó là những sự mô phỏng, bắt chước (pastiche) rất nghiệp dư. Sự thiếu hiểu biết trầm trọng của nó khiến tôi ngỡ ngàng. Ấy vậy mà những người có tiếng nói và vai vế trong ngành lại hoan nghênh nó. Tôi không hiểu, họ thực sự không còn nhìn thấy gì nữa hay là sao? Tất cả những thành tựu của nghệ thuật cổ điển đã bị phủ định hết, có lẽ đó là lí do khiến điều này có thể xảy ra. Đúng là chúng ta đã có một sự hồi sinh đối với các kĩ thuật tượng hình, nhưng tôi e là tầm nhìn của chúng ta đã bị hạ thấp đến mức nó sẽ thực sự cản trở những nghiên cứu học thuật.

Kế hoạch chi tiết của tôi để lưu giữ truyền thống thị giác cổ điển là thông qua một hệ thống nhiều xưởng nghệ thuật, mỗi xưởng là nơi đào tạo cho khoảng sáu nghệ sĩ. Họ được học hỏi từ các nghệ nhân bậc thầy. Các họa sĩ và nhà điêu khắc như tôi phải trao những gì chúng tôi biết cho thế hệ trẻ. Tôi đã nhìn thấy những sự tiếp thu say sưa ở đó, điều mà vài năm trước đây còn chưa có. Nhưng mô hình này vẫn còn bị bác bỏ bởi những người có quyền lực nhằm ngăn chặn ý tưởng của tôi trở nên khả thi. Một xưởng nghệ thuật như vậy sẽ cần được tài trợ, nhưng chúng tôi gặp khó khăn về vấn đề này. Tôi thấy ý kiến của mình chìm vào im lặng, bị coi như rác rưởi, thậm chí tôi không thể truy cập vào các phương tiện truyền thông để kêu gọi tài trợ mình cần.

ngôn ngữ cổ điển
Gustave Courbet, The Painter’s Studio: A real allegory summing up seven years of my artistic and moral life (L’Atelier du peintre) (1855)

Tôi liên tục tìm cách để làm điều mình cần. Nghệ thuật cổ điển đòi hỏi một mức đầu tư tương đương với âm nhạc cổ điển. Âm nhạc cổ điển đã tạo ra một lối đi riêng cho sự tồn tại của nó và có một cấu trúc nghề nghiệp sinh lời cho các nghệ sĩ hàng đầu. Tuy nhiên, không có nghệ sĩ thị giác cổ điển nào được quảng bá ở cấp độ đó. Nếu có đó sẽ là đóng góp lớn. Việc một nghệ sĩ cổ điển không thể kiếm sống từ thị trường đại chúng thông qua việc tái tạo hình ảnh là điều hết sức vô lí. Tôi không chống lại việc tái tạo hàng loạt trong điêu khắc, ngay cả ở cấp độ thu nhỏ, và chúng tôi có công nghệ để làm điều đó. Tôi tin rằng, nếu nó gây ra bất cứ bất lợi nào, thì đó là việc nâng cao giá trị của bản gốc từ bàn tay người nghệ sĩ.

Do đó, chúng ta phải khiến cho mô hình các xưởng nghệ thuật này hoạt động. Một kho văn hóa được tạo ra bởi những tài năng được đào tạo chuẩn chỉnh là điều kiện đầu tiên để một di sản cổ điển được sống và ngôn ngữ thị giác của nó được xuyên suốt. Những nghệ sĩ này thực sự là trọng tâm để tạo nên tài năng và sự xuất chúng. Nếu không có những nghệ sĩ này, thì mục đích cứu lấy văn hóa của chúng ta không thể nào được hoàn thành.


Nhữ Giao dịch ngày 08.06.2020 cho dự án của TrinhNhatVu
Nguồn: Robin Buick, The Atelier Concept đăng trên artrenewal