Eugène Delacroix – Trường phái lãng mạn và chủ nghĩa cá nhân bạo liệt
Đến cuối thế kỷ 18, một trào lưu nghệ thuật mới nổi lên được gọi là Chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa này nhấn mạnh vào cảm xúc mãnh liệt như nguồn gốc thực sự của trải nghiệm thẩm mỹ, tôn vinh chủ nghĩa cá nhân cũng như tầm quan trọng hàng đầu của việc tự do biểu đạt cảm xúc nơi các nghệ sĩ. Để có sự tự do biểu đạt cảm xúc này, các nhà Lãng mạn đề cao vai trò của trí tưởng tượng và trực giác. Chủ nghĩa lãng mạn cũng có xu hướng chú trọng vào những cảm xúc tột độ như sợ hãi, kinh hoàng, khiếp sợ – đặc biệt là những cảm xúc trải qua khi đối đầu với những phạm trù thẩm mỹ mới về sự cao cả và vẻ đẹp của thiên nhiên, thông qua những bức tranh khổ lớn đầy kịch tính. Đi đầu trong phong cách đáng chú ý này là nghệ sĩ người Pháp Eugène Delacroix.
Delacroix và những người cùng thời với ông đã ảnh hưởng đến bối cảnh hội họa, vốn trong nhiều thập kỷ đã bị chi phối bởi tính thẩm mỹ khắt khe và trí tuệ của nghệ thuật Tân cổ điển. Delacroix sử dụng khả năng biểu đạt cảm xúc của màu sắc và những nét vẽ biểu cảm để tạo ra một loạt các tác phẩm ngoạn mục lấy cảm hứng từ các sự kiện chính trị của châu Âu, thần thoại và các chuyến thăm của ông đến Bắc Phi. Những phẩm chất được khơi gợi trong các bức tranh của ông, điều chưa từng có đối với thời bấy giờ, đã có tác động lâu dài đến các nghệ sĩ tương lai, đặc biệt nhất là những người theo trường phái Ấn tượng.
Eugène Delacroix – người tiên phong Trường phái lãng mạn
Eugène Delacroix (1798 – 1863) là một trong những người tiên phong của Chủ nghĩa lãng mạn và là một nhân vật có ảnh hưởng đến các tác phẩm của Trường phái ấn tượng sau này. Ông là một bậc thầy về màu sắc, chuyển động và kịch tính. Danh mục tác phẩm (“Oeuvre”) của Delacroix trải dài qua các chủ đề, từ các sự kiện đương đại, bối cảnh thần thoại, chủ nghĩa phương Đông và nghệ thuật vẽ chân dung.
Delacroix có một cuộc đời dư dả khi sinh ra trong gia đình đàng mẹ – bà Victoire Oeben có truyền thống làm đồ nội thất cho hoàng gia và đàng cha – ngài Charles-François Delacroix, là một chính khách. Sinh ra ở ngoại ô Paris, ngay từ bé ông đã được học hành bài bản về nghệ thuật, đắm mình trong các tác phẩm kinh điển và còn giành được giải thưởng về vẽ.
Nhưng tuổi thơ của ông cũng không lấy làm êm đềm khi chứng kiến sự ra đi của nhiều người thân. Cha mất khi Delacroix mới 7 tuổi, một người anh trai chết trên chiến trận năm ông 9 tuổi và mẹ mất năm Delacroix 16 tuổi. Sau đó, Delacroix nghe theo lời khuyên của chú mình – cũng là một họa sĩ, bắt đầu sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp bằng cách theo học nghệ sĩ Tân cổ điển Pierre-Narcisse Guérin. Ở đây ông học vẽ theo phong cách hiện thực – nhấn mạnh vào quá trình tạo mẫu và thiết kế. Khi ông tiếp tục làm việc, phong cách của Delacroix dần trở nên lỏng lẻo và ít tỉ mỉ hơn. Nhưng phải đến khi ông xem bức tranh Raft of Medusa của Théodore Géricault, ông mới hoàn toàn chấp nhận phong cách Lãng mạn.
Eugène Delacroix – Chủ nghĩa cá nhân bạo liệt
Mặc dù lĩnh hội tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn nhưng Delacroix không hề coi trọng sự ủy mị hay khoa trương. Theo lời của Baudelaire, “Delacroix say mê say đắm trong đam mê, nhưng lạnh lùng dứt khoát tìm cách thể hiện đam mê đó ra một cách rõ ràng nhất có thể.”
Có một điều đáng chú ý là người ta cho rằng Eugene Delacroix không phải là con ruột của cha mình, mà là Talleyrand – một người bạn của gia đình ông và là người kế nhiệm cha ông làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Eugène trưởng thành rất giống Talleyrand về cả ngoại hình lẫn tính cách, và ông cũng tự coi đây như cha ruột của mình. Bởi vậy mà sau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 16 tuổi, Delacroix vẫn nhận được nhiều khoản tài trợ ẩn danh từ Talleyrand và những hỗ trợ khác từ chính phủ, mặc dù ông không hề là một người tuân thủ về mặt chính trị.
Những sự hỗ trợ từ xuất thân và các mối quan hệ đã cho Delacroix cơ hội được bung tỏa hết cá tính của bản thân và đột phá trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói tinh thần lãng mạn nơi Delacroix mang dáng hình của chủ nghĩa cá nhân bạo liệt đậm màu sắc anh hùng ca, khiến ông trở thành một nhà cách mạng nghệ thuật trên nhiều khía cạnh. Delacroix đã bất chấp truyền thống nghệ thuật của Pháp bằng cách không đăng ký giải thưởng Prix de Rome danh giá (cách thông thường để các nghệ sĩ được công nhận trong nghề nghiệp) và thay vào đó, tự tạo nên tên tuổi thông qua các cuộc triển lãm thường xuyên tại các salon công cộng bắt đầu từ năm 1822. Ông cũng đi lạc khỏi các chủ đề cổ điển và áp dụng một cách tiếp cận hiện đại hơn để mô tả những câu chuyện kịch tính.
Trong quá trình tìm nguồn cảm hứng từ các bậc thầy của Trường phái Venice và trong nghệ thuật của họa sĩ Baroque Peter Paul Rubens, Delacroix phát hiện ra rằng thông qua màu sắc, các nét vẽ nhìn thấy được và các tổ hợp sống động, ông có thể truyền tải kịch tính, chuyển động và đặc biệt là cảm xúc – vốn là nền tảng cốt lõi của nghệ thuật lãng mạn. Đây trở thành những đặc điểm đặc trưng trong các tác phẩm của Delacroix và giúp ta nhận diện ra ông giữa kho tàng các tác phẩm lãng mạn.
Đặc điểm trong phong cách Eugène Delacroix
Màu sắc rực rỡ
Màu sắc là trung tâm trong phong cách hội họa của Delacroix. Vốn là một sinh viên đam mê lý thuyết màu sắc, ông đã tạo ra những bảng màu đầy dụng ý, giúp làm nổi bật chủ đề các bức trông của mình. Đặc biệt, ông sử dụng sự hài hòa màu sắc (sự kết hợp của hai hoặc nhiều màu) và tương phản màu sắc (các màu nằm ở hai đầu đối diện trong bánh xe màu) để làm phong phú các sáng tác của mình. Tông màu ấm nóng đặc biệt là màu đỏ thường được tìm thấy trong hầu hết các tác phẩm của Delacroix, cho thấy cảm xúc mãnh liệt, lòng dũng cảm, nhiệt huyết và sức mạnh.
Nét vẽ biểu cảm
Cách tiếp cận hội họa của Delacroix thường được coi là tiền thân của trường phái Ấn tượng. Ông không cố gắng cải tạo kết cấu những nét vẽ của mình nhằm tạo ra bề mặt nhẵn và chỉn chu như trường phái Tân cổ điển, thay vào đó, ông làm cho chúng dễ nhìn thấy hơn. Đây là kỹ thuật dùng những nét cọ lớn nhìn thấy được hay còn gọi là kỹ thuật “broad sweeps” mà sau này ảnh hưởng rất nhiều đến các họa sĩ Ấn tượng. Những kỹ thuật này đã giúp ông thể hiện được tâm trạng và tạo ra cảm giác chuyển động.
Tổ hợp sống động
Delacroix bị thu hút theo những cảnh hành động quy mô lớn, thường bao gồm nhiều nhân vật trên một tấm vẽ. Kết quả là, ông được biết đến với việc xây dựng các bố cục động sử dụng những nhân vật được vẽ rút lại trong tư thế xoắn người. Kỹ thuật này trong nghệ thuật được gọi là “foreshortening”, tức kĩ thuật vẽ giảm bớt hoặc bóp méo đối tượng nhằm truyền đạt ảo giác về không gian ba chiều trong mắt người cảm nhận, thường được thực hiện theo các quy tắc phối cảnh. Không ngạc nhiên khi biết rằng Delacroix có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc và sân khấu, khi nhiều tác phẩm của ông tựa như cảnh tượng trong một vở nhạc kịch nào đó vậy.
Tính bạo lực
Chủ nghĩa cá nhân bạo liệt nơi Delacroix khiến ông tìm cảm hứng trong những chủ đề mang tính cách mạng và hào hùng bi tráng trong thần thoại của nghệ thuật Hy Lạp và La Mã, văn chương hay các sự kiện chính trị đương thời. Ông cũng được truyền cảm hứng bởi nhà thơ Lord Byron, người mà ông chia sẻ sự tương đồng mạnh mẽ về cảm hứng với sự cao cả mang tinh thần anh hùng ca mà bản chất ít nhiều có tính bạo lực. Delacroix thực sự được công nhận bởi mối gắn kết của ông với văn học lãng mạn, bao gồm cả tiểu thuyết gia Victor Hugo. Ông thậm chí còn được gọi là “Hugo của bảng màu”, một so sánh khiến ông không lấy làm thích thú cho lắm.
Cảm hứng từ “những cái khác”
Không dừng lại với các mô hình cổ điển, Delacroix tìm kiếm cả những sự đột phá về chủ đề. Ông mong muốn thoát khỏi nền văn minh của Paris, với hy vọng nhìn thấy một nền văn hóa “nguyên thủy” hơn. Chuyến du lịch Bắc Phi năm 1832 đã mở ra một chương mới độc đáo trong sự nghiệp sáng tác của Delacroix, khiến ông bị chi phối bởi làn sóng của Chủ nghĩa phương Đông với hơn 100 bức tranh và bản vẽ về các cảnh trong hoặc dựa trên cuộc sống của người dân Bắc Phi. Niềm đam mê này của ông đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ của phong trào Tượng trưng.
Delacroix thường sử dụng động vật – đặc biệt là ngựa và mèo lớn – để nâng cao kịch tính gây xúc động cho các bức tranh của mình. Cũng có thể nói, bản chất hoang dã của động vật thể hiện một khía cạnh lý tưởng của Chủ nghĩa lãng mạn.
Tác phẩm chính
Cái chết của Sardanapalus, 1827
Cái chết của Sardanapalus là một bức tranh sơn dầu đồ sộ dựa trên câu chuyện về vị vua cuối cùng của Assyria, Sardanapalus, người thay vì đầu hàng kẻ thù của mình, đã ra lệnh đặt một giàn hỏa táng bao gồm cả bản thân, tất cả tài sản và thê thiếp của mình. Delacroix lấp đầy bức tranh bằng một bảng màu nổi bật gồm màu đỏ và kem cũng như những nét vẽ có thể nhìn thấy, tất cả đều làm tăng thêm sự hỗn loạn và bạo lực của khung cảnh đang diễn ra.
Liberty lãnh đạo nhân dân, 1830
Vào mùa thu năm 1830, Delacroix đã hoàn thành bức tranh sẽ trở thành bức tranh nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất của ông mang tên Liberty dẫn dắt nhân dân. Lấy bối cảnh trên đường phố Paris (có thể nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà trong phông nền khói lửa) và đầy tính biểu tượng, bức tranh khổ lớn cho thấy người dân Paris đi theo một nhân vật phụ nữ vẫy lá quốc kỳ Pháp. Nhân vật phúng dụ này thường được cho là phiên bản ban đầu của Marianne, một nhân cách hóa của Cộng hòa Pháp, và nhằm hiện thân cho khái niệm tự do. Đây là bức tranh thể hiện rõ chủ nghĩa cá nhân mang tính cách mạng nơi Delacroix.
Những người phụ nữ Algiers, 1834
Sau khi đến thăm Bắc Phi, Delacroix đã tạo ra một loạt các bức tranh lấy cảm hứng từ phương Đông. Những người phụ nữ Algiers là một trong những tác phẩm quan trọng nhất mà ông đã tạo ra trong thời gian này, mô tả một nhóm phụ nữ Algeria đang thơ thẩn trong một căn phòng sang trọng đầy màu sắc và hoa văn. Được đặt tại Bảo tàng Fabre ở Montpellier, Pháp, bức tranh này đã được các nghệ sĩ lớn khác đến thăm như Vincent van Gogh, Paul Gauguin, Pablo Picasso và Paul Cezanne, những người coi màu sắc xa hoa của tác phẩm này có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật của họ.
Đời sau & Di sản
Nghệ thuật sau này của Delacroix có thể được xác định nhờ phong cách tự do hơn nhiều. Theo thời gian, nét vẽ của ông thậm chí còn lớn hơn, lỏng hơn, giúp bỏ qua các chi tiết để hướng đến một cách miêu tả hơi hướng trường phái Ấn tượng hơn.
Cuộc sống sau này của ông liên tục phải đương đầu với tình trạng sức khỏe kém, điều này ảnh hưởng đến năng suất sáng tác của ông (ông phải ngừng làm việc một thời gian vào đầu những năm 1840). Delacroix chưa bao giờ kết hôn nhưng được biết đến với các mối quan hệ với nhiều phụ nữ, bao gồm cả những người mẫu của ông và thậm chí có thể cả bà Le Guillou – người quản gia của ông và là người đã chăm sóc tận tình cho ông đến tận khi ông qua đời.
Các tác phẩm đáng chú ý của ông truyền cảm hứng đến các thế hệ nghệ sĩ tương lai, như Pierre-Auguste Renoir và Édouard Manet, những người tôn kính sự thành thạo về màu sắc và chuyển động của Delacroix. Trong khi niềm đam mê của ông đối với những điều kỳ lạ đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ của trào lưu Tượng trưng. Cảm hứng lãng mạn cùng với chủ nghĩa cá nhân bạo liệt đã tạo ra một Delacroix với những đặc trưng cả về kỹ thuật và chủ đề. Cùng với Ingres, Delacroix được coi là một trong những Bậc thầy hội họa lâu đời cuối cùng, và là một trong những một vài người đã từng được chụp ảnh. Dẫu có một gia tài nghệ thuật đáng ngưỡng mộ như vậy, những năm tháng cuối đời, ông thực sự băn khoăn về băn khoăn di sản của mình và viết rằng: “Họ sẽ nghĩ gì về tôi sau khi tôi chết?”
Nhữ Giao tham khảo và viết, ngày 22.02.2022
Tham khảo: Margherita Cole, Learn about Eugène Delacroix, the pioneering French romantic painter, đăng trên mymodernme