Tản mạn Người ở trong kết nối
Về tình yêu
Có một quan niệm về tình yêu đã chạm đến tôi và làm tôi suy nghĩ rất nhiều: Làm thế nào để yêu và được yêu thực sự? – Đó là hai tâm hồn phải xứng đáng với nhau.
Đến giờ tôi vẫn nghĩ là cần phải xứng đáng với nhau – về tâm hồn.
Và tình yêu thực sự là vĩnh cửu. Tình yêu ấy qua các giai đoạn khác nhau trong đời (thậm chí qua các kiếp sống) có thể thay nhiều diện mạo khác nhau. Nhưng luôn luôn tồn tại. Tôi thực lòng nghĩ như thế.
Không phải ai trong đời cũng chạm đến tình yêu thực sự. Nó ở đó, nhưng chạm đến được là chuyện khác.
Yêu một người và lựa chọn một người về bản chất là hai việc khác nhau. Với tôi, mọi chuyện bắt đầu từ yêu, tiếp đến là lựa chọn. Tôi luôn luôn suy nghĩ rất nhiều khi chọn. Có thể là nghĩ quá nhiều. “Bớt lí trí đi và đôi lúc cần phải hồ đồ” ư? Tôi thì không thể. Nếu chỉ duy nhất một chuyện trên đời này tôi được phép khắt khe, thì chính là lựa chọn một người đồng hành cùng mình suốt quãng đời còn lại. Một khi đã lựa chọn, tôi trở thành trách nhiệm và trung thành. Chọn kĩ một lần vì không muốn sau này phải chọn lại lần nữa.
Những điểm lựa chọn lại
Alain Badiou trong Tụng ca tình yêu có một ý gợi ra rất hay: Tình yêu bắt đầu từ một tình cờ – một sự kiện không thể rút gọn hơn được nữa. Nhưng trong suốt quá trình của Đôi, luôn xuất hiện những điểm mà các sự kiện bị bó chặt lại đến mức cần phải đưa ra tuyên bố lại: tiếp tục đồng hành như một Đôi (hay là chia tách). Nói cách khác, theo ngôn từ của tôi: đó là một điểm cần lựa chọn lại. Cho dù đã lựa chọn, vẫn cần liên tục lựa chọn lại, để củng cố lựa chọn đó.
Điều này không chỉ đúng trong tình yêu, mà đúng trong mọi lựa chọn quan trọng trong đời ta. Không sao cả nếu có những lúc ta thấy mình lung lay, thấy mình hoài nghi, thậm chí thấy mình như đi một lòng vòng một hồi rồi lại quay về điểm bắt đầu. Chỉ cần lựa chọn lại, tuyên bố lại, bắt đầu lại. Cuộc đời không phải là một vectơ chỉ hướng để ta cứ thế đi về phía trước mãi. Đó là một đồ thị phức tạp, với cả những vòng lặp, những đường lùi, những đáy, những đỉnh, những điểm chạm, điểm vỡ, điểm chuyển hướng, bước ngoặt và nhảy vọt… Sự phản tư và tự vấn không thể là liên tục, nhưng là những đứt đoạn liên tục.
Và tệ hơn, nếu thậm chí không thể nghĩ ra nên làm gì tiếp theo, thì cứ đứng nguyên ở đó. “Hang in there” là một cụm rất gợi hình, làm tôi liên tưởng đến “The Hanged Man” của Tarot. Hãy chịu đựng, đừng chùn bước.
Ý chí
Đầu năm nay tôi có một khải ngộ quan trọng: Nếu mình đã muốn đi một con đường khó khăn và mơ hồ, mà cứ đi được vài bước lại chùn chân và quay đầu nhìn lại, thì chắc chắn chẳng bao giờ mình đi được đến đích. Cảm giác chông chênh là dễ hiểu, nhưng phải vượt lên nó. Con đường của mình càng mờ mịt thì ý chí của mình càng phải mạnh gấp người khác nhiều lần. Kể từ đó, tôi không còn mất nhiều thời gian vào những phân vân, hoài nghi, dù là từ chính mình hay từ phía người khác. Nếu thất bại thì nghĩ cách khác, nếu đi vào ngõ cụt thì tìm đường khác.
Tồn tại
Hoá ra vấn đề không chỉ là phát triển hay là không. Mà là tồn tại được hay không. Nếu co cụm, cô lập, nếu không tương tác và phát triển, có thể dẫn đến tự chết, hoặc bị thôn tính, hoặc bị đào thải. Cuối cùng mọi câu chuyện của tôi dường như đều trở về tồn tại hay là chết.
Truy nguyên
Trong cuộc truy nguyên những khởi đầu, tôi tìm về trước khi những vết thương bắt đầu. Và lạ lùng là có trước cả đó nữa. Có lẽ có một sự “bị đặt sai chỗ”. Có thể không phải tôi không có nhà, mà là tôi bị đặt sai khỏi nhà mình đến mức không thể nhớ được nhà mình là ở đâu – đến mức dù đứng ngay trước nhà cũng không nhận ra đó là nhà mình. Cuộc truy nguyên không chỉ để tìm lại bản thể nguyên sơ nhất, con người chân thật của mình – mà còn để tìm lại thế giới mà mình thuộc về.
Có lẽ ai cũng muốn tìm về nhà, về quê hương, về với gốc gác nguyên sơ khởi thuỷ. Ai cũng cần được bắt rễ, được neo đậu vào đâu đó, giữa cuộc đời này. Không dễ để hoà nhập, để được đón nhận, không dễ để tôi bắt đầu lại – từ con số không. Nhưng tìm lại được rồi thì đừng thấy bơ vơ nữa.
Người thầy ngụ cư
Nghe Phan Huy Đường rồi cứ thế nước mắt rơi. Có những người đã mất cả nửa cuộc đời chông chênh, bế tắc, để cho ta có những tri nhận đáng giá vô vàn. Tôi nghe thấy sự nhẹ nhõm, sự dung hoà, tôi thấy dậy lên lòng cảm tạ và đồng cảm.
Con người tư duy bằng các ngôn ngữ, vì vậy cách ta tư duy là được dạy từ người khác, khi ta tư duy là ta đang nhại lại tư tưởng của người khác. Nhưng rồi sẽ đến một chỗ khi ta đã học đủ, tích luỹ đủ, và nếu ta có đủ nữa – lòng can đảm, thì có thể lật tung tất cả và đặt vấn đề lại từ đầu. Đó với tôi là một niềm hi vọng vô cùng đáng giá.
Sự học chân chính nào rồi cũng dẫn đến chỗ bao dung hơn với đời, với người. Tôi hằng tin là vậy.
Người kết nối
Tôi dành phần lớn đời mình để đi tìm các mảnh ghép, và xếp chúng vào đúng ô. Nói cách khác, để cấu trúc được một hệ thống.
Tôi có thể đóng góp thêm được điều gì: một mối nối – mối nối giữa khoa học và tâm linh, tức giữa tính khách quan và tính chủ quan, giữa lí trí và nội cảm. Không chỉ như tôi nói với bác Nguyễn Văn Trọng, rằng hai con đường ấy rồi sẽ dẫn đến gần nhau, mà tôi muốn tìm một mối nối ngay trong chính quá trình của chúng.
Điều này có lẽ bởi mỗi con người suy tư sẽ dành đời mình để thống nhất một hoặc một vài mâu thuẫn căn bản. Mâu thuẫn lớn nhất của tôi xuất phát từ một phần bản thể rất cứng, rất sắc, rất quyết liệt gay gắt và luôn đòi hỏi sự rõ ràng; với một phần rất mềm mại, uyển chuyển, nhạy cảm tột bậc và có khả năng dung chứa.
Muốn trở thành người kết nối, trước tiên phải nhận ra mình không phải kẻ bơ vơ, mà là người-ở-trong-kết-nối.
13.05.20