Suy tư

Về Patrick Modiano

Một mạch tôi đọc hết mấy cuốn của Patrick Modiano, và thường thì với cùng một tác giả tôi sẽ đọc theo trình tự thời gian xuất bản, để thêm một cách nhìn các tác phẩm như biểu lộ cho tiến trình nội tâm tác giả trong cuộc đời riêng của họ.

Cuộc đời như Một gánh xiếc qua

Bước vào cuốn sách, để đến Paris, lang thang trên đại lộ lớn và những con phố nhỏ, để mơ và chờ được lên đường sang Rome – nhưng bất thành.

 “Bởi vì đó là chủ nghĩa nhân văn, đặt con người làm trung tâm, thay vì Chúa, đặt lại vấn đề về những quan hệ giữa người với người trước kia là mẫu mực” – người đặt cuốn sách vào tay tôi bảo thế.

Một cuốn sách – với tôi là kì lạ. Tôi tự động nghĩ đến câu văn mà tôi nhớ nhất suốt mười hai năm đi học:

“Tôi bước ra ngoài, và kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật.” (1)

Nhưng với Patrick Modiano, những ranh giới bị làm nhòa đi đến tận cùng. Không gian nối dài và được miêu tả chi tiết, còn thời gian thì đứt đoạn và mơ hồ. Các con phố và các loại áo quần hiện ra còn rõ ràng hơn các nhân vật. Những hờ hững tàn nhẫn nhất chỉ là những sợi kí ức mờ nhạt. Tha thiết duy nhất có thể cứu rỗi cứ thế bốc hơi trong nụ cười già nua đãng trí của cuộc đời. Lòng tin và can đảm vừa chớm nở tan vào không – thời gian vô định. Nỗi đau khủng khiếp bay lên và hòa vào bầu trời màu xanh lơ.

Tuổi trẻ bơ vơ, mong manh, non nớt, hoang mang lần qua những con phố chồng chéo, dẫn đến nhau nhưng trượt qua nhau.

Tôi nhớ chuyến tàu đêm từ Paris về Rome, ngồi một mình trong toa tàu với ba người đàn ông khác – cả da trắng lẫn da đen, co ro mặc chồng lên nhau nhiều lớp áo nhất có thể, xoay xở để có thể duỗi dài chân và ngả lưng chợp mắt ít nhiều. Ngày đó, tôi cũng trượt ra khỏi những thân thuộc nhất lẫn những mãnh liệt nhất của chính đời mình.

Những cuốn sách sẽ đến với ta khi ta đã sẵn sàng. Quả thật chỉ có thể đọc Patrick Modiano vào một giai đoạn nào đó trong đời. Khi những cưỡng cầu, cố chấp, chống đối, bất mãn, vùng vằng với cuộc đời – đã dừng lại.

Ngày tách mình với phần còn lại của thế giới, đọc một cuốn sách mà mọi thứ đều lơ lửng. Tia sáng chui qua các khe cửa sổ. Kí ức rơi qua kẽ tay. Thực tại mờ đi thành từng hạt bụi trong không khí. Nhẹ như thể sợ thành tiếng làm ta giật mình. Như thể chỉ chờ để được lãng quên.

Cuộc đời như một gánh xiếc qua, thấy nhưng chưa xem, nghe kể nhưng xa rồi.

(1) Cuộc chia tay của những con búp bê – Khánh Hoài

06.04.20

Patrick Modiano 1
Christophe Dupety, Modiano (2001). Nguồn: artistics

Những chân trời đã mất Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối

Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối có thể là (một trong) những cuốn sách thể hiện rõ tâm tư và suy tưởng của Patrick Modiano: sự “trôi dạt” kế thừa từ Guy Debord; “Quy hồi Vĩnh cửu” từ Nietzche; những “trải nghiệm đặc lý” về việc dựng ra một dạng sơ đồ của thành phố với những “thỏi nam châm”, “các vùng trung tính”, “hố đen”, “vùng rìa”, “vùng sâu vùng xa”, với các “đường biên giới”, “những đoạn dốc đầu tiên”; về định danh những con người trong “sự vô danh của thành phố lớn” bằng “những điểm cố định” và việc tạo ra các mối liên hệ… Có lẽ không quá vội vàng để kết luận một vài mẫu chung trong các tác phẩm của Patrick Modiano: sự trôi dạt liên tục trong thành phố lớn, sự trốn chạy khỏi tuổi thơ, đoạn tuyệt với quá khứ để bắt đầu một cuộc đời mới ở một nơi rất xa.

Hai câu chuyện khác nhau, thủ thuật kể chuyện cũng vài phần đổi khác, nhưng khung câu chuyện và nỗi ám ảnh phảng phất trong đó là như nhau. Tuy nhiên so với Một gánh xiếc qua, có thể thấy rõ sự trưởng thành của tác giả trong tác phẩm này. Đối với Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, có một nhân vật trước đây mờ nhạt nay được giữ vị trí quan trọng hơn: thời gian. Dường như đã rất nhiều thời gian trôi đi kể từ đó, tạo thành những trầm tích đủ dày để dẫu nhân vật chẳng mấy khi tự nhận thức được thời gian thực tế, nhưng luôn có ấn tượng rất rõ ràng về những điểm thời gian tâm lý: buổi tối mùa hè trời chẳng chịu tối, mùa thu chẳng phải mùa buồn mà là mùa của những dự đồ. Không gian tràn ứa trong các tác phẩm của Modiano đến lúc này chẳng còn chút quan trọng nào nữa, chúng lẫn lộn hết vào nhau, để chỉ còn lại giấc mơ “đi VÀO TÂM MÙA HÈ” và những “giữa trưa” trở thành vĩnh viễn.

Để rồi mọi thời gian khác cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa, ta sẽ “Quy hồi Vĩnh cửu” trở về những khoảnh khắc đã trở thành vĩnh viễn ấy.

Và rồi sau rốt, đừng ngạc nhiên nếu bắt gặp những cái kết tương tự nhau ở Patrick Modiano: cái chết đến đột ngột và không lời giải thích ngay khi cuộc đời mới ấy vừa chớm nở. Đến mức gọi nó là cái chết hình như có phần sốt sắng. Đó là sự “vắng mặt”. Nó lặp lại đến mức không thể tin đây chỉ là lựa chọn văn chương của ông, mà hẳn phải là nỗi ám ảnh của chính cuộc đời ông: những “khoảng trắng” – không chỉ gây ra cảm giác trống rỗng, mà còn không thể chịu đựng được khi nhìn.

Một cách mạo muội tôi có thể nói rằng, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là câu trả lời cho Một gánh xiếc qua, cho những vắng mặt và bí ẩn ấy:

“… Chẳng có gì để hiểu cả… Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy… Và chính vì thế mà ta yêu người ấy…”

Với cuộc đời này cũng vậy. Cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của nó.

Chính ở đây, một kiểu nhân vật khác hiện diện rõ ràng hơn. Patrick Modiano đã không định nghĩa họ nhưng tôi sẽ gọi họ theo ngôn từ của ông: “những con người cố định”. Như triết gia thần bí Guy de Vere, như ông chủ hiệu sách Mattei. Có một điều gì đó không bao giờ thay đổi ở họ – và đó là điều quan trọng. Những con người mà sự thông thái khiêm cung của họ, sự dịu dàng bí ẩn của họ, rồi sẽ trở thành điểm neo đậu của tâm hồn ta. Sự quan sát và ghi nhớ với tất cả dung chứa nồng ấm của họ trở thành chứng thực cho một con người ta đã sống. Họ có thể đưa cho ta câu hỏi ta trằn trọc, hoặc trả lời băn khoăn ta đeo đẳng, và đưa ta chỉ dẫn đi đến tương lai của chính ta. Những đứa trẻ của Patrick Modiano – dù ngoài ý muốn của chính chúng, đã có được một sự từng trải nào đó để neo đậu thay cho tuổi thơ bơ vơ của mình.

Tôi nhận được cuốn sách này năm năm về trước với lời đề tặng “Chúc không lạc lối ở phương trời mới nhé!”. Nhưng phương trời mới không phải thứ làm ta lạc lối. Người ta đã lạc lối ngay trên chính những khu phố quen của mình, mới nuôi giấc mơ đến một phương trời mới và tìm thấy điều gì khác ở đó.

Tôi đã dừng cuốn sách nhiều năm về trước ở đoạn “đợi khoảnh khắc ấy với một sự kiên nhẫn tuyệt cùng” – bởi thấy chừng ấy đã đủ cho lúc ấy. Ngày hôm nay cuốn sách trở lại với tôi, sau những “tuyệt cùng”, và tôi như thấy hiện ra đến mức đồng điệu bối cảnh của chính tôi hiện tại: những dòng chảy miên viễn, những khoảng thinh lặng cứu vớt cuộc sống, lễ rửa tội để đưa đến sự sinh ra lần thứ hai.

“Tôi thấy như thể mình đã được chữa lành hoàn toàn khỏi những vết thương thuở nhỏ và hồi niên thiếu và, kể từ nay, chẳng còn lý do nào nữa để trốn chui trốn lủi trong một vùng trung tính”.

Những vùng bí ẩn luôn hút lấy, gây ám ảnh và sợ hãi; chung quyết đã có câu trả lời cho chính nó.

Patrick Modiano 2
In the middle of Europe

*Tựa đề bài viết hướng về Jacqueline của Hư Vô, và tạm biệt “Louki của những vùng trung tính” – cô gái luôn đi tìm CUỘC SỐNG THỰC, hy vọng tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời, cuối cùng đã có câu trả lời để đủ can đảm để Du hành vào chốn vô định.

08.04.20

Gọi Jacqueline Từ thăm thẳm lãng quên

Trước ngày hôm nay, Patrick Modiano với tôi chưa bao giờ là một tác gia của những nỗi buồn. Làm sao có thể thực buồn khi luôn lơ lửng.

Cho đến Từ thăm thẳm lãng quên.

Tôi bắt đầu mơ hồ đoán lí do Modiano buổi ban đầu thường kết thúc các câu chuyện bằng cái chết. Không chỉ là ám ảnh từ cuộc đời thực của ông bước vào các trang sách và sống trong đó. Cái chết còn là một biểu tượng của một khao khát da diết: đi đến tận cùng.

Câu trả lời khiến tôi xúc động trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối đã rơi tõm vào “thăm thẳm lãng quên”. Dẫu bi kịch và dằn vặt, nhưng đã từng có tình yêu, có hi vọng, có giấc mơ đi VÀO TÂM MÙA HÈ. Có một giữa trưa để Quy hồi Vĩnh cửu.

Các nhân vật trong Từ thăm thẳm lãng quên đã đến được TÂM MÙA HÈ. Nhưng rồi tiếp theo gì sau đó? Tiếp tục là những cuộc chạy trốn. Lặng lẽ rời đi và lặng lẽ chung sống với sự những vắng mặt.

Đến đây sự vắng mặt lớn nhất hiện ra: sự vắng mặt chính mình. Chỉ là những vai diễn nối tiếp nhau và lồng vào nhau. Vắng mặt cả những kí ức, cả những mối dây gắn kết mình với cuộc đời. Dường như chẳng điều gì có thể giữ người ta ở lại. Từng mảng của những cuộc đời cũ cứ thế rơi vụn thành bụi, ấy thế mà người ta lại nhẹ nhõm với điều ấy.

Ai nói với tôi rằng Modiano là con người can đảm – đi tìm lại quá khứ, mỗi mười lăm năm một lần. Không, Modiano không đi tìm quá khứ. Chính quá khứ tìm đến ông. Nhưng khi quá khứ chực lặng lẽ rời đi, ông cũng để chúng được toàn quyền ra đi – như những người đã xuất hiện trong cuộc đời ông vậy.

Một gánh xiếc qua là những lơ lửng. Ở quán cà phê của tuổi trẻ là một cuốn sách rực rỡ. Từ thăm thẳm lãng quên là sự lặng lẽ – vừa vô ưu vừa tuyệt vọng, mà hẳn từ sự chấp nhận qua chừng ấy vòng đời chết đi và lột xác mỗi mười lăm năm. Tôi đồ rằng nếu đặt các cuốn sách của Modiano cạnh nhau, theo thứ tự thời gian, ta có thể coi cuốn này là lời hồi đáp cho cuốn ngay trước đó, và ghép nối chúng lại thành hành trình tâm tưởng của chính Modiano – trong mối quan hệ với quá khứ và với chính ý nghĩa của cuộc đời. Dẫu sao, xin cảm tạ Modiano vì hành trình của ông.

Trong cơn ảo tượng Jacqueline đã vẫy gọi tôi đi tìm cô từ thăm thẳm lãng quên, như thể một lời kêu cứu. Tôi đã hiểu vì sao. Một chút hờn buồn gợn lên trong lòng, bởi Modiano đã không để Jacqueline của tôi đi vào Hư vô mãi mãi – như cô vẫn hằng mơ. Ông kéo Jacqueline trở lại rồi bắt cô đóng thêm vô số những vai diễn mà cô – dẫu chán ngán, luôn đóng rất đạt trong đời mình. Tôi không khỏi xót xa khi Jacqueline của tôi, qua từng cuốn truyện, bị đẩy sâu thêm vào nỗi mục rỗng của cuộc đời.

Trong giấc mơ, lời sấm đã đến với tôi: “tốt nhất là hãy buồn, vì đây là lúc cần phải buồn”.

Patrick Modiano 3
Henry Wallis, Chatterton (1856). Nguồn: Wikipedia

12.04.20