Dòng chảy, Lịch sử nghệ thuật

Màu xanh da trời – Từ sắc tố khan hiếm đến cảm thức xa cách

Có thể bạn chưa biết: Màu xanh da trời là một màu cực hiếm trong tự nhiên. Dẫu đó là màu của bầu trời và đại dương tưởng chừng quen thuộc với chúng ta đến vậy, nhưng sự thật là sắc tố xanh da trời khan hiếm đến mức đáng kinh ngạc.

Sự khan hiếm của sắc tố màu xanh da trời

Trước hết cần nhắc lại một chút, sắc tố là phân tử hữu cơ (hay sau này là chất liệu công nghiệp) tạo ra màu sắc cho vật thể, bằng cách hấp thu chọn lọc một số loại bước sóng ánh sáng (trong phổ ánh sáng truyền tới) và chỉ cho một dải ánh sáng đi qua tạo ra màu sắc mắt người nhìn thấy được. Hầu hết các loại sinh vật có được sắc tố màu sắc thông qua chế độ ăn uống, ví dụ chim hồng hạc thuở ban đầu có màu xám, sau này mới chuyển dần sang màu hồng đỏ do ăn một loại cua có chứa sắc tố màu này.

Ấy thế nhưng trong tự nhiên, ngay cả với số ít động vật có màu xanh lam như một số loài bướm, chim và công, khoa học đã phát hiện ra là chúng không hề mang sắc tố xanh nào cả! Màu xanh lam của chúng là một sự “lừa đảo”! Sự xuất hiện của màu xanh da trời ở đây không đến từ sắc tố, mà từ cấu trúc phân tử trên bề mặt của các loài này. Các cấu trúc này – theo những hình dạng khác nhau, cho phép dải ánh sáng màu xanh da trời đi qua và phản xạ lại môi trường, trong khi các ánh sáng màu khác phản chiếu xuống đáy bề mặt, khiến mắt thường không thu nhận được. Điều này có nghĩa là màu xanh này đổi sắc theo góc nhìn, và chỉ cần đưa vào các dung môi khác (không phải không khí), màu xanh này có thể biến mất. Trường hợp đặc biệt duy nhất mà các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ tìm ra được là loài bướm Nessaea obrinus hay Obrina olivewing – chúng thật sự đã tiến hóa để hình thành sắc tố màu xanh da trời và trở thành một ngoại lệ lẻ loi.

màu xanh da trời 1
Loài bướm Nessaea obrinus

Giả thiết được đặt ra để lí giải cho sự khan hiếm này đó là các loài sinh vật đầu tiên trên Trái đất vốn bị mù màu xanh da trời. Trong quá trình tiến hóa, chúng dần phát triển khả năng nhìn thấy màu xanh da trời và sau đó dần thay đổi để thể hiện ra màu xanh này, nhằm tăng khả năng giao tiếp và sinh tồn. Mà việc thay đổi cấu trúc vật lý thì dễ dàng hơn tạo ra một hợp chất sinh hóa mới rất nhiều, vì vậy đa phần màu xanh da trời của các loài động vật được tạo ra bởi cấu trúc bề mặt chứ không phải sắc tố tự nhiên.

Tương tự như vậy, một số nhà khoa học tin rằng những con người đầu tiên đều mù màu, chỉ có thể nhận ra màu đen, trắng, đỏ, và sau này thêm màu vàng và xanh lá cây. Kết quả là con người thuở đầu không có khái niệm về màu xanh lam, cũng không có từ nào để mô tả nó. Điều này thậm chí còn được phản ánh trong văn học cổ đại, chẳng hạn như sử thi Odyssey của Homer đã mô tả đại dương là “biển đỏ như rượu”.

Dài dòng về sự khan hiếm của màu xanh da trời trong tự nhiên như vậy để hình dung sự khan hiếm của bột màu xanh da trời trong lịch sử hội họa cũng không hề kém cạnh. Nhà hóa học Heinz Berke chỉ ra rằng: “nhân loại ban đầu không có khả năng tiếp cận với màu lam vì màu lam không phải là màu thuộc về đất Mẹ…, bạn không thể tìm thấy nó trong đất”.

Đá lapis lazuli

Các dạng sắc tố xanh sớm nhất được chiết xuất từ ​​hỗn hợp đá vôi bán quý ‘lapis lazuli’. Có nguồn gốc từ Trung Đông, đặc biệt là Afghanistan, từ nguyên của từ này xuất phát từ tiếng Latinh “lapis” nghĩa là “đá” và “lazuli” có nghĩa là “màu xanh lam”.

Được chiết xuất từ ​​thung lũng Sar-e-Sang hẻo lánh ở vùng núi Badakhshan ở Afghanistan, chất màu này thường xuyên được nhập khẩu từ châu Á, qua Con đường Tơ lụa, có niên đại 6.000 năm cho đến thế kỷ XVIII. Còn được gọi là “màu xanh lam thực sự”, lapis lazuli xuất hiện lần đầu tiên như một chất màu vào thế kỷ thứ XI và được sử dụng trong các bức tranh Phật giáo ở Bamiyan, Afghanistan. Sau đó nó tìm đường đến được các thành thị nhộn nhịp ở Tây Âu.

Bức Portrait of a Woman (Lady with a Lapis Lazuli Bowl) của họa sĩ Guido Reni (1575–1642). Nguồn ảnh: Gallerix

Các học giả cho rằng trong nhiều thiên niên kỷ, các nền văn minh đã đánh giá cao viên đá quý hiếm này, tin rằng nó có những đặc tính thần bí. Lapis lazuli đặc biệt phổ biến ở thời kì Sumer cổ đại và Ai Cập cổ đại khi nó được sử dụng cho đồ trang sức, mũ và thậm chí cả lăng mộ của pharaoh Tutankhamen, cũng như (được cho là) ​​phấn mắt của Cleopatra.

Màu lam Ai Cập

Màu xanh Ai Cập là màu đầu tiên được sản xuất tổng hợp – được phát minh ở Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 2.200 TCN, cùng thời điểm các Kim tự tháp lớn được xây dựng. Đây là một chất kết tinh có màu sáng hơn lapis lazuli, được tạo ra để bù đắp sự khan hiếm và đắt đỏ của lapis lazuli.

Bức tượng Sư tử, khoảng năm 1981–1640 TCN. Nguồn ảnh: Met Museum

Người Ai Cập rất coi trọng màu sắc và sử dụng nó để vẽ đồ gốm sứ, tượng, và thậm chí để trang trí lăng mộ của các pharaoh. Họ tin rằng màu sắc này liên quan đến trời, sự màu mỡ và sức mạnh của tạo hóa. Để tạo ra màu lam, người Ai Cập đã kết hợp đá vôi và cát với một khoáng chất có chứa đồng (như azurite hoặc malachit) và đun nóng dung dịch lên từ 1470 đến 1650 độ F. Kết quả cuối cùng là một loại thủy tinh màu xanh đục, có thể được nghiền nát, kết hợp với lòng trắng trứng, keo hoặc gôm tạo thành một lớp sơn hoặc men gốm lâu dài. Quá trình này rất dễ xảy ra sai sót và bất kỳ sai sót nào cũng sẽ dẫn đến một “mớ hỗn độn trông như thủy tinh màu xanh lá cây” – Victoria Finlay giải thích trong cuốn Lịch sử rực rỡ của màu sắc trong nghệ thuật (2014). Trong khi màu xanh lam Ai Cập vẫn phổ biến trong suốt Đế chế La Mã, phương pháp sản xuất phức tạp của nó đã bị lãng quên khi người ta tìm ra cách sản xuất màu lam mới.

Vào năm 2006, gần hai thiên niên kỷ sau, nhà khoa học bảo tồn Giovanni Verri đã có một phát hiện tình cờ đưa màu xanh Ai Cập trở lại vị trí hàng đầu. Khi quan sát một bồn đá cẩm thạch Hy Lạp 2.500 năm tuổi dưới ánh đèn huỳnh quang, Verri đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng các sắc tố xanh lam của con tàu bắt đầu phát sáng — một tín hiệu cho thấy màu xanh lam Ai Cập phát ra bức xạ hồng ngoại. Tính chất quý hiếm này cho phép các nhà khoa học tìm thấy dấu vết của màu sắc trong các hiện vật cổ đại, ngay cả sau khi sắc tố đã bị rửa trôi hoặc không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các nhà khoa học ngoài lĩnh vực bảo tồn cũng quan tâm đến màu xanh Ai Cập, sử dụng sắc tố này cho các phân tích y sinh và phát triển laser.

Ultramarine

Màu lam ultramarine thực chất xuất phát chính từ đá lapis lazuli. Khoảng 6.000 năm trước, lapis lazuli đã bắt đầu được người Ai Cập nhập khẩu từ vùng núi Afghanistan, tuy nhiên, người Ai Cập đã thử và không thể biến nó thành một loại sơn, bởi khi mài hay nghiền quá tay nó sẽ chuyển sang màu xám xỉn. Thay vào đó, họ sử dụng nó để làm đồ trang sức và mũ.

Chất màu này sau đó được các thương nhân Ý nhập khẩu vào châu Âu trong thế kỷ XIV và XV, và nó được đổi tên thành ultramarine – trong tiếng Latinh “ultramarinus” nghĩa là “vượt ra ngoài biển”. Sắc tố xanh đậm ultramarine được tạo ra bằng cách nghiền lapis lazuli thành bột. Sắc thái đậm chất hoàng gia khiến nó rất được săn đón bởi các nghệ sĩ sống ở Châu Âu thời Trung cổ. Tuy nhiên giá cả của nó rất đắt, đắt hơn cả vàng và chỉ có những họa sĩ giàu có mới có thể sử dụng. Các nghệ sĩ như Cimabue, Duccio và Giotto là một số trong những người đầu tiên thường xuyên sử dụng bột màu này, và họ thường đặt chúng cạnh các lá vàng.

Trong cuốn Il Libro dell’Arte (Sách nghệ thuật) của mình, họa sĩ Cennino Cennini đã hướng dẫn cách điều chế sắc tố ultramarine, liên quan đến một quá trình tinh chế kéo dài. Cennini đã viết: “Màu xanh lam ultramarine là một màu nổi tiếng, đẹp và hoàn hảo nhất, vượt qua tất cả các màu khác…”. Trong những thế kỷ tiếp theo, các nghệ sĩ như Raphael, Botticelli và Titian tiếp tục sử dụng một lượng lớn sắc tố ultramarine trong các tác phẩm quy mô lớn của họ.

màu xanh da trời 2
Bức Virgin and Child with Female Saints của Gérard David

Trong biểu tượng của Cơ đốc giáo, màu xanh lam trở thành một trong những màu thiêng liêng nhất. Ý nghĩa tôn giáo của sắc tố xanh cũng bắt nguồn từ sự đắt đỏ của nó. Ultramarine thường chỉ dành cho những nhân vật thần thánh trong các bức tranh được tài trợ lớn, chẳng hạn như áo choàng màu xanh của Đức Mẹ Đồng trinh trong bức Virgin and Child with Female Saints của Gérard David. Bậc thầy Baroque Johannes Vermeer – người đã vẽ bức Girl with a Pearl Earring, được cho là yêu thích màu sắc này đến mức đẩy gia đình mình vào cảnh nợ nần. Các nhà sử học nghệ thuật tin rằng Michelangelo đã bỏ dở bức tranh The Entombment (1500–01) của mình vì ông không đủ khả năng mua thêm màu xanh ultramarine.

màu xanh da trời 3
Girl with a Pearl Earring của Baroque Johannes Vermeer

Nó vẫn cực kỳ đắt cho đến khi một loại ultramarine tổng hợp được phát minh vào năm 1826 bởi một nhà hóa học người Pháp, sau đó được đặt tên là “French Ultramarine”.

Màu xanh cô-ban

Màu xanh cobalt có từ thế kỷ VIII và IX, sau đó được dùng để tạo màu cho đồ gốm và đồ trang sức. Điều này đặc biệt xảy ra ở Trung Quốc, nơi nó được sử dụng trên chất liệu sứ để tạo ra hoa văn màu xanh và trắng đặc biệt. Một phiên bản dựa trên alumin tinh khiết hơn sau đó được nhà hóa học người Pháp Louis Jacques Thénard phát hiện vào năm 1802, và việc sản xuất thương mại bắt đầu ở Pháp vào năm 1807. Các họa sĩ như JMW Turner, Pierre-Auguste Renoir và Vincent Van Gogh bắt đầu sử dụng chất màu mới này để thay thế cho ultramarine đắt tiền.

màu xanh da trời 4
Dinky Bird (1904) của Maxfield Parrish

Màu xanh coban đôi khi được gọi là màu xanh Parrish bởi vì nghệ sĩ Maxfield Parrish đã sử dụng nó để tạo ra những bức tranh chọc trời màu xanh dương đậm nét riêng biệt của mình.

Cerulean

Ban đầu màu xanh da trời cerulean được cấu tạo từ stannate magiê coban, sau đó được Andreas Höpfner ở Đức cải tiến vào năm 1805 bằng cách rang coban và oxit thiếc. Tuy nhiên, màu này không được sử dụng như một loại bột màu nghệ thuật cho đến năm 1860 khi nó được Rowney and Company bán dưới tên coeruleum. Nghệ sĩ Berthe Morisot đã sử dụng màu cerulean cùng với ultramarine và xanh coban để vẽ chiếc áo khoác màu xanh của người phụ nữ trong A Summer’s Day (1887).

Bức Summer’s Day (1879) của Berthe Morisot

Indigo (màu chàm)

Mặc dù màu xanh lam để sử dụng trong các bức tranh thì đắt tiền, nhưng nó rẻ hơn nhiều khi sử dụng cho hàng dệt nhuộm. Không giống như sự hiếm có của lapis lazuli, sự xuất hiện của một loại thuốc nhuộm màu xanh lam mới được gọi là indigo – “màu chàm” đến từ một loại cây trồng phát triển quá mức gọi là Indigofera tinctoria – cũng được nhập khẩu dọc theo Con đường Tơ lụa, từ Ấn Độ và Ai Cập. Việc nhập khẩu nó đã làm rung chuyển thương mại dệt may châu Âu trong thế kỷ XVI, và xúc tác cho các cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Mỹ. Indigo đã trở thành một loại màu và thuốc nhuộm quan trọng trong thế kỷ XVI và XVII.

Vải nhuộm màu chàm tại Anh thập kỉ 1790. Nguồn: Matt Flynn từ Wikimedia Commons

Việc sử dụng màu chàm để nhuộm vải dệt phổ biến nhất ở Anh, đầu tiên là để nhuộm quần áo của nam giới và phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội. Màu chàm tự nhiên được thay thế khi bột chàm tổng hợp do nhà hóa học người Đức Adolf von Baeyer tạo ra vào năm 1878 phát triển rộng hơn. Loại thuốc nhuộm này sau đó lại được thay thế bằng cây tự nhiên vào năm 1913, được sử dụng để nhuộm quần jean.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi khuẩn Escherichia coli có thể được thiết kế sinh học để tạo ra phản ứng hóa học tương tự quá trình tạo ra màu chàm ở thực vật. Phương pháp này được gọi là “chàm sinh học”, có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất vải denim thân thiện với môi trường trong tương lai.

Sự thật thú vị: Ngài Isaac Newton – người phát minh ra “quang phổ màu sắc” – tin rằng cầu vồng phải bao gồm bảy màu riêng biệt để phù hợp với bảy ngày trong tuần, bảy hành tinh đã biết và bảy nốt trong thang âm nhạc. Newton vì vậy đã vinh danh màu chàm cùng với màu da cam, mặc dù nhiều nhà khoa học đương đại khác tin rằng cầu vồng chỉ có năm màu.

Màu xanh navy (Xanh hải quân)

Màu xanh nước biển – màu tối nhất của màu xanh lam, còn được gọi là màu xanh navy, được sử dụng làm màu chính thức cho quân phục của Hải quân Hoàng gia Anh và được mặc bởi các sĩ quan và thủy thủ từ năm 1748. Hải quân hiện đại kể từ đó đã làm tối màu quân phục của họ thành màu gần như đen để tránh bị phai màu. Thuốc nhuộm chàm là cơ sở cho màu xanh hải quân kể từ thế kỷ XVIII.

Có rất nhiều biến thể của màu xanh navy, bao gồm cả màu Space cadet – màu được thiết kế vào năm 2007. Màu này được kết hợp trong đồng phục của các học viên trong lực lượng quân sự không gian – một nghĩa vụ quân sự hư cấu được trang bị với nhiệm vụ khám phá không gian vũ trụ.

Màu xanh Prussian

Một năm trước khi Newton xuất bản báo cáo đầu tiên về bảy màu của cầu vồng ở Opticks (1704), một màu xanh lam mới đã được phát minh ở Berlin, Đức. Nhà sản xuất thuốc nhuộm Johann Jacob Diesbach đang làm việc trên một chất màu đỏ của cochineal và không để ý rằng một trong những vật liệu của ông – bồ tạt, đã tiếp xúc với máu động vật. Ông cho rằng màu đỏ được trộn với màu đỏ sẽ tạo ra màu đỏ đậm hơn. Đáng ngạc nhiên, trong trường hợp này, và thuốc nhuộm màu đỏ của ông nổi lên thành một màu xanh mạnh. Máu động vật đã thúc đẩy một phản ứng hóa học khó xảy ra, tạo ra hợp chất sắt ferrocyanide, ngày nay được gọi bằng tiếng Đức là màu Berliner Blau hoặc tiếng Anh là màu xanh Prussian. Chất màu tổng hợp này rẻ hơn nhiều so với ultramarine và cũng dễ tạo ra hơn.

Bức The Great Wave off Kanagawa (1831) của Katsushika Hokusai

Họa sĩ Rococo người Pháp Jean-Antoine Watteau, thợ in khắc gỗ Nhật Bản Katsushika Hokusai, và bậc thầy người Tây Ban Nha Pablo Picasso trong Thời kỳ màu xanh của ông đều sử dụng màu này một cách phổ biến. Những bức tranh u ám của Picasso phản ánh thời kỳ trầm cảm của nghệ sĩ, đánh dấu khoảng thời gian ông sống trong cảnh tương đối nghèo đói và trải qua những xáo trộn về cảm xúc sau cái chết của người bạn thân và đồng nghiệp là họa sĩ Carlos Casagemas – người đã tự sát vào năm 1901. Thời kỳ màu xanh lam của Picasso đã giúp củng cố mối liên hệ của màu xanh lam với cảm giác tuyệt vọng và buồn bã: “màu xanh lam” tức “blue” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là “nỗi buồn”.

Bức Mère et enfant (Mẹ và Con) của Pablo Picasso (1881–1973). Nguồn: National Galleries of Scotland

Tuy nhiên, sự thành công của màu xanh Prussian vượt ra ngoài vai trò của nó như một chất màu. Năm 1842, nhà thiên văn học người Anh, Sir John Herschel, phát hiện ra rằng màu xanh nước biển của Phổ có độ nhạy độc đáo với ánh sáng, có thể được điều khiển để tạo ra các bản sao của một bản vẽ. Phương pháp tái tạo hình ảnh của Herschel tỏ ra vô giá đối với các kiến trúc sư, những người lần đầu tiên có thể dễ dàng tạo ra nhiều phiên bản kế hoạch xây dựng của họ, được đặt tên một cách khéo léo là “bản thiết kế – blueprints” theo màu xanh Prussian. Trong y học đương đại, màu xanh Prussian có một mục đích rất khác: nó được phân phối dưới dạng thuốc viên như một loại thuốc giải độc cho ngộ độc kim loại nặng.

Màu xanh Klein quốc tế

Có lẽ nghệ sĩ nổi tiếng và gắn bó lâu dài nhất với màu xanh là Yves Klein. Để theo đuổi màu sắc của bầu trời, nghệ sĩ người Pháp này đã phát triển một phiên bản ultramarine mờ mà ông coi là màu xanh lam đẹp nhất. Vào mùa hè năm 1947, nghệ sĩ ý niệm quyết định muốn ghi lại sự rộng lớn của bầu trời thông qua hội họa, tự gọi mình là họa sĩ của không gian. Cũng trong năm đó, ông bắt đầu sơn các bức tranh bằng màu xanh lam, ban đầu sử dụng ultramarine. Đến năm 1960, ông đã tạo ra phiên bản sắc tố xanh của riêng mình được gọi là International Klein Blue (IKB) và ông đã đăng ký International Klein Blue (IKB) làm thương hiệu cá nhân độc quyền. Màu lam trầm này đã trở thành đặc trưng của họa sĩ từ năm 1947 đến năm 1957. Ông đã vẽ hơn 200 bức tranh sơn dầu đơn sắc, tác phẩm điêu khắc và thậm chí vẽ mô hình người bằng màu IKB để họ có thể “in” cơ thể mình lên tranh sơn dầu.

“IKB 191” (1962) by Yves Klein. Nguồn: Christophe Brocas via Flickr

Đối với Klein, màu xanh lam là cốt lõi triết lý thẩm mỹ của ông: “màu xanh là cái vô hình trở nên hữu hình. Màu xanh lam không có kích thước, nó nằm ngoài kích thước mà các màu khác chia sẻ.” Ông tin rằng nó có thể đưa người xem ra ngoài chính bức tranh.

Khám phá mới nhất: YInMn

Năm 2009, một màu xanh lam mới được Giáo sư Mas Subramanian và sau đó là nghiên cứu sinh Andrew E. Smith của ông tại Đại học Bang Oregon tình cờ phát hiện ra. Trong khi khám phá các vật liệu mới để chế tạo thiết bị điện tử, Smith phát hiện ra rằng một trong những mẫu của ông chuyển sang màu xanh lam sáng khi bị nung nóng. Được đặt tên là màu xanh YInMn theo các thành phần hóa học của nó là yttrium, indium và mangan, họ đã phát hành chất màu này cho mục đích thương mại vào tháng 6 năm 2016.

Màu xanh YInMn gần đây đã được thêm vào bộ sưu tập bút chì màu Crayola.

Màu xanh YInMn

Trong suốt lịch sử, sự hiếm hoi và khó tiếp cận với sắc tố xanh đã khuyến khích các nền văn minh gắn màu sắc này với các đặc tính thần bí. Ngày nay, các nhà tâm lý học tuyên bố rằng màu xanh lam đã đi vào tâm lý con người và góp phần vào sự tiến hóa của chúng ta với tư cách là những người săn bắn hái lượm, những người đã từng học cách sinh tồn trong tự nhiên giữa bầu trời xanh và nước. Sức mạnh gợi nhắc những không gian bao la trong tự nhiên của màu xanh lam được lan tỏa đến mức các nhà thiết kế thường chọn màu này để trang trí văn phòng, tin rằng nghiên cứu cho rằng nó giúp tăng năng suất và cảm giác yên bình. Mặc dù vậy, sự khan hiếm của màu lam vẫn còn lưu lại dấu ấn dưới dạng một cảm thức xa lạ nhất với bản tính tự nhiên của sự sống, như cách nó được sử dụng trong điện ảnh hay quảng cáo để tạo ra hiệu ứng về phép thuật và thần tiên, về tương lai, máy móc và công nghệ, ví dụ bộ phim Artificial Intelligence (2001) chẳng hạn. Năm 1999, Pantone đã phát hành một thông cáo báo chí tuyên bố cerulean là “Màu của Thiên niên kỷ” và “màu của tương lai.”

màu xanh da trời 5
Cảnh trong phim Artificial Intelligence (2001)


Nhữ giao tổng hợp và dịch

Tham khảo:
Emma Taggart, The History of the Color Blue: From Ancient Egypt to the Latest Scientific Discoveries, đăng ngày 12/02/2018 trên mymodernmet
Lydia Figes, Colour in art: a brief history of blue pigment, đăng ngày 23/09/2019 trên artuk.org
Why is blue so rare in nature?