Chuyên sâu, Phê bình nghệ thuật

John Berger đã thay đổi cách chúng ta nhìn nghệ thuật thế nào

Mở đầu cho tác phẩm nổi tiếng nhất của mình – cuốn sách Những cách thấy vào năm 1972, John Berger không chỉ đưa ra một ý tưởng mà còn là một lời mời để nhìn và biết thế giới khác: “Mối quan hệ giữa những gì chúng ta thấy và những gì chúng ta biết sẽ không bao giờ được giải quyết”, ông viết.

Berger, qua đời vào ngày 2 tháng Một ở tuổi 90, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hiểu biết của người dân về nghệ thuật và hình ảnh. Ông cũng là một điển hình sôi nổi của giới trí thức cộng đồng, sử dụng vị thế của mình để lên tiếng chống lại những bất công xã hội, ủng hộ các nghệ sĩ và nhà hoạt động trên khắp thế giới.

Phương pháp tiếp cận nghệ thuật của Berger xuất hiện trực tiếp nhất trong mắt công chúng trong loạt chương trình truyền hình bốn phần của BBC – Những cách thấy vào năm 1972, do Mike Dibb sản xuất trước cuốn sách. Tuy nhiên, phong cách pha trộn giữa cảm năng và lý thuyết nghệ thuật của chủ nghĩa Marx với sự chú ý đến những cử chỉ nhỏ, khung cảnh và câu chuyện cá nhân của Berger đã phát triển sớm hơn nhiều, trong các bài tiểu luận cho tuần san độc lập New Stateman (Tuyên ngôn mới – ND) (trong khoảng giữa năm 1951 và 1961) và trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên A Painter of Our Time (Một họa sĩ của thời đai chúng ta – ND), xuất bản năm 1958.

Chương trình truyền hình của BBC, Những cách thấy (1972) 

Các chương trình của BBC đã làm sống động và dân chủ hóa các ý tưởng và văn bản học thuật thông qua các kỹ thuật hình ảnh kịch tính, thường là dí dỏm, đặt ra các câu hỏi khám phá cách hình ảnh – từ sơn dầu châu Âu đến nhiếp ảnh và quảng cáo hiện đại – đưa ra thông điệp và thấm vào cuộc sống hàng ngày, từ đó hình thành sự bất bình đẳng của nó. Chúng ta thấy gì? Chúng ta được nhìn thấy như thế nào? Chúng ta có thể thấy khác đi hay không?

“Di sản lý thuyết của Berger”, học giả người Ấn Độ Rashmi Doraiswamy viết gần đây, “đang đặt việc nhìn vào bối cảnh của cái khác mang tính chính trị”. Ý tưởng của Berger rằng nhìn là một hành động chính trị, thậm chí có thể là một quá trình được kiến tạo trong lịch sử – sao cho việc chúng ta nhìn thấy thứ gì, ở đâukhi nào sẽ ảnh hưởng đến những gì chúng ta thấy – xuất hiện mạnh mẽ nhất trong tập thứ hai của Những cách thấy – tập trung vào cái nhìn của nam giới.

Ở đây Berger đã cho thấy sự liên tục giữa các bức tranh về phụ nữ ở Châu Âu thời kỳ hậu Phục hưng và hình ảnh từ các áp phích và tạp chí nữ tính ngày nay, bằng cách đặt các hình ảnh khác nhau cạnh nhau – cho thấy cách họ trình hiện phụ nữ như những sự vật tương tự nhau. Berger lập luận rằng tính liên tục này kiểm soát một số cách hiểu nhất định về tính nữ, và do đó các giới hạn mà phụ nữ có thể sống cuộc đời của họ. Ông đã xác định được sự chia rẽ trong ý thức của phụ nữ châu Âu, trong đó cô ấy:

phải kiểm định mọi thứ mình là và mọi thứ mình vì cách cô ấy trình hiện trong mắt người khác mà sau cùng là cách cô ấy trình hiện với đàn ông – có tầm quan trọng cốt yếu đối với những gì thường được coi là thành công của cuộc đời cô.

Hình minh họa so sánh cách trình hiện phụ nữ trong một bức tranh sơn dầu và một nữ thần tượng trong cuốn Những cách thấy

Cách chúng ta thấy      

Bối cảnh lịch sử, quy mô và cách chúng ta thấy là những chủ đề lặp đi lặp lại trong bài viết, phim, biểu diễn của Berger, trong các bài tiểu luận nhiếp ảnh ông cộng tác với Jean Mohr, Anne Michaels, Tereza Stehliková và những người khác.

Các bài luận và sách của Berger về nhiếp ảnh lo ngại về ý nghĩa chính trị mơ hồ trong một bức ảnh. Ông dạy chúng ta rằng những bức ảnh luôn cần ngôn ngữ, và cần có sự tường thuật ở một dạng nào đó, để có ý nghĩa.

Ông cũng để ý đến việc phản ứng của chúng ta đối với những bức ảnh chụp những người thân yêu như thế nào phụ thuộc vào mối quan hệ của chúng ta với người được khắc họa ra sao. Trong A Seventh Man (Người đàn ông thứ bảy – ND), một cuốn sách Berger hợp tác với Jean Mohr về những người lao động nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức trong những năm 1970, ông nói một cách đơn giản:

Bức ảnh của một cậu bé trong mưa, một cậu bé bạn hay tôi không biết. Nhìn thấy trong phòng tối khi in hoặc nhìn thấy trong cuốn sách này khi đọc, bức ảnh gợi lên sự hiện diện sống động của cậu bé vô danh. Đối với cha của cậu, nó sẽ xác định sự vắng mặt của cậu bé.

John Berger 2

Dưới lớp da

Vì từng là một họa sĩ, Berger luôn là một nhà văn và nhà tư tưởng bằng hình ảnh. Trong cuộc trò chuyện với tiểu thuyết gia Michael Ondaatje, ông công nhận rằng khả năng biên tập điện ảnh đã ảnh hưởng đến việc viết của ông. Ông xác định khả năng chuyển từ khung cảnh rộng lớn sang cảnh quay cận cảnh của điện ảnh là khía cạnh mà ông tham gia và đánh giá cao nhất.

Chắc chắn tác phẩm của Berger đã thấm đẫm sự nhạy cảm với độ dài của những góc nhìn – những tự sự lịch sử chỉ trở nên sống động khi có thêm những mẩu chuyện “cận cảnh” về các mối quan hệ của con người, chúng kể lại câu chuyện nhưng từ một góc độ khác. Ví dụ, khi viết về việc Frida Kahlo cảm thấy bị thúc ép phải vẽ trên các bề mặt nhẵn như da, Berger cho rằng chính nỗi đau và khuyết tật của Kahlo (bà bị nứt đốt sống và phải trải qua các đợt điều trị sau một tai nạn trên đường) đã “khiến bà nhận thức được làn da của tất cả mọi thứ còn sống – cây cối, trái cây, nước, chim chóc, và một cách tự nhiên, các phụ nữ và đàn ông khác”.

Frida Kahlo, The two Fridas (1939)

Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của Ondaatje, In the Skin of a Lion (Trong làn da của một con sư tử – ND), được ông đặt tên là Caravaggio, phần nào được lấy cảm hứng từ bài luận của Berger về họa sĩ này. Trong bài luận đó, Berger đã viết về cảm giác “đồng lõa” với nghệ sĩ người Ý thời Phục hưng Caravaggio, người “họa sĩ của đời sống”, người không “miêu tả thế giới cho người khác thấy: tầm nhìn của anh ấy là tầm nhìn mà anh ấy chia sẻ với riêng thế giới”.

Thiên hướng và sự nhạy cảm của Berger với tư cách một nhà văn dường như lặp lại điều gì đó về “một cường độ tổng thể, thiếu khoảng cách thích hợp” mà Caravaggio đã bị chỉ trích – mà đây lại là điều Berger rất ngưỡng mộ. Cường độ này không phải là một sự kịch tính đơn thuần, cũng không phải là một cuộc tìm kiếm điều gì đó chân thực hơn cả đời sống, mà là một lập trường triết học xuất phát từ việc theo đuổi sự bình đẳng của Berger. Ông đã cho phép chúng ta tập trung vào những khía cạnh đó trong nghiên cứu hoặc cuộc sống của chúng ta, những khía cạnh thu hút chúng ta mãnh liệt, và cho phép chúng ta tin tưởng vào cảm nhận đó. Trong cảm nhận này, ông mang một khẳng quyết chính trị. Nó bắt đầu bằng sự tin tưởng vào trực giác của một người, cùng với việc bắt buộc phải mở ra để khám phá bản thân khi biết rằng ta nằm trong các quá trình lịch sử và xã hội rộng lớn hơn.

Caravaggio, The Toothpuller (1608-1620)

Suy ngẫm về các tác phẩm của mình, Berger đã viết trong Confabulations (Cuộc đàm luận – ND) trên bản sưu tập của Penguin gần đây:

Điều đã thôi thúc tôi viết trong nhiều năm là linh cảm rằng điều gì đó cần phải được nói ra và rằng, nếu tôi không cố gắng nói điều đó, nó có nguy cơ không được nói ra.

Ông biết rất rõ rằng viết lách có những hạn chế của nó. Chữ viết tự nó không thể cân bằng lại những bất bình đẳng của hiện tại hoặc thiết lập những cách nhìn mới. Tuy nhiên, ông đã viết với hy vọng. Ông đã cho chúng ta thấy trong tác phẩm của mình và – bằng ví dụ – những khả năng khác để sống một cuộc đời cam kết phê phán sự bất bình đẳng, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp trong thế giới, chú ý đến màu sắc, nhịp điệu và những điều ngạc nhiên hoan hỉ. Chúng ta vẫn đang được ưu đãi và mang ơn ông.


Nhữ Giao dịch
Nguồn: Vikki Bell, Yasmin Gunaratnam, How John Berger changed our way of seeing art, đăng ngày 05/01/2017 trên theconversation

Sách Những cách thấy của John Berger đã được xuất bản tại Việt Nam tháng 11-2017, Như Huy dịch, NXB Hội Nhà văn